Ông có họ tên đầy đủ: Nguyễn Văn Gởi, sinh năm 1920. Hiện cư ngụ ấp Vân Hàn xã Trung Lập Thượng, Củ Chi - TP Hồ Chí Minh. Ông có cuộc sống hết sức thanh bạch không rượu trà, hiện sống một mình trong gian nhà ngói cũ kỹ. Để giải tỏa ưu sầu, buồn phiền ông chỉ biết làm bạn với chiếc radio cho khuây khỏa tinh thần.
Tình cờ có lần ông nghe chương trình nông thôn trên đài TNND TPHCM phát động cuộc thi viết “kể chuyện vui nông thôn” ông suy nghĩ và viết ngay bài tham dự, không ngờ mấy hôm sau đài phát sóng tiểu phẩm vui của ông, ông mừng và vui lắm, từ đó ông hứng chí và viết bài tham gia đều đặn. Nói như ông: “Viết chơi cho khuây khỏa tâm hồn” và cũng không ngờ ông bén duyên với nghề báo từ dạo đó.
Thế mạnh của ông là viết tiểu phẩm vui đem tiếng cười đến cho mọi người, ý nghĩa câu chuyện thường phê phán cái xấu, cái tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày. Ông còn thử sức với mảng đề tài viết về văn hóa xã hội cho Đài truyền thanh huyện Củ Chi và rồi ông viết rất “lên tay”. Bây giờ ông là cộng tác viên tích cực cho Đài TNND TPHCM, Đài truyền thanh huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương.
Sau hơn 15 năm cầm bút “tác chiến” thành tích của ông cũng đáng nể, đó là nhiều bằng khen giấy khen treo đầy vách nhà, cấp khen tặng là UBND TPHCM, UBND huyện Củ Chi. Ông có các tiểu phẩm đạt giải mục “kể chuyện vui nông thôn”, chương trình nông thôn “Hội thi Cây lúa khỏe” và các cuộc thi “Nông dân sản xuất giỏi”, “Nhà nông đua tài”, “Tìm hiểu nông dược”… của nhà đài. Hỏi về bí quyết trở thành “nhà báo” không chuyên, tích cực trong công việc ông cười móm mém nói: “Thứ nhất phải biết đam mê và chịu khó suy nghĩ cốt chuyện, thứ hai nếu bí đề tài cứ thong thả lấy bút ra mở tập và bật cái radio chú ý lắng nghe để nắm được các chủ trương chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà lấy làm cái sườn, dàn ý để triển khai bài viết của mình”.
Hiện tại ông sống một mình, tài sản đáng giá nhất trong nhà là chiếc quạt máy cũ kỹ, chiếc radio nhỏ xíu làm bạn, chiếc xe máy CD dùng làm phương tiện cho ông đi “săn” tin để viết bài và nhiều bằng khen, giấy khen.
Nhưng theo tôi, ông có cái phẩm chất hết sức quý báu đó là lòng nhiệt huyết tận tụy với nghiệp viết báo. Nhìn ông tác phong nhanh nhẹn, lái chiếc xe gắn máy điêu luyện chạy qua con đường lầy mới đắp mà tôi càng khâm phục vì ông hết sức có trách nhiệm với “nghề báo” mà mình lựa chọn. Ông xứng đáng là “nhà báo” lão làng vì ông bây giờ vào tuổi 92, tuổi xưa nay hiếm mà còn minh mẫn theo nghề báo nghiệp dư.
TRẦN VĂN TÁM
(Tặng bác Tư Gởi, nhân ngày Báo chí cách mạng VN 21-6)