Việc áp dụng công trình xanh vào nhà ở giá thấp là rất cần thiết vì sẽ làm giảm chi phí vận hành, tạo ra cân bằng và làm thay đổi nhận thức - ở nhà giá thấp vẫn có chất lượng sống tốt. Thế nhưng, những quan ngại liên quan đến chi phí đã dẫn đến việc các công trình xanh ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án nhà ở giá thấp chậm nhịp với xu hướng của thế giới.
Tiết kiệm tiêu thụ năng lượng
Công trình xanh là xu hướng xây dựng của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, chính phủ của các nước phát triển trên thế giới đều yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình. Tại Việt Nam, việc xây dựng công trình xanh được khởi xướng và tiếp cận từ năm 2007 nhưng đến nay, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, mới có khoảng 60 công trình được chứng nhận là công trình xanh bởi các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Con số này quá khiêm tốn so với quy mô của thị trường xây dựng Việt Nam. Điều đáng nói là các công trình xanh chủ yếu mới chỉ được quan tâm ở phân khúc bất động sản thương mại cao cấp.
Căn hộ có nhiều mảng xanh, xây dựng vật liệu thân thiện môi trường giúp tiết kiệm năng lượng. Ảnh Huy Anh
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, dự án bất động sản bình dân hoàn toàn có thể “xanh”, nhưng thực tế đa phần dự án nhà dành cho người thu nhập thấp hiện nay vẫn chưa “xanh”. Tại buổi hội thảo quốc tế về công trình xanh mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhìn nhận, nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Theo ông Đỗ Đức Duy, nguyên nhân sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam chậm bắt nhịp so với các nước là vì quan niệm sai lầm của các bên liên quan về việc xây dựng công trình xanh chi phí bị đội lên khoảng 20% - 30%. Chủ đầu tư, nhà thầu thiếu sự nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng về lợi ích của công trình xanh. Đại diện Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam cho rằng, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, làm gia tăng giá trị tài sản, hoàn vốn đầu tư nhanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) bất động sản cho rằng, dự án nhà giá thấp cần phải xanh là cần thiết nhưng cần có sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và người mua nhà vì thực tế chi phí xây dựng công trình xanh so với công trình không xanh vẫn cao hơn. Ngay cả các giải pháp kiến trúc xanh, hệ thống pin năng lượng mặt trời hiện nay tuy chỉ làm tăng chi phí đầu tư khoảng 3%, nhưng rõ ràng chi phí này cũng sẽ tính vào giá thành. Theo các DN, nếu không có chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước thì những dự án này sẽ khó cạnh tranh với các dự án không “xanh” trên thị trường. Ngoài ra, để công trình xanh phát triển, cần phải phổ biến, nâng cao nhận thức của nhà quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và cộng đồng về kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình - nơi sinh sống của đại đa số cư dân đô thị. Cùng với đó, cơ quan nhà nước cần có một cái nhìn toàn diện và dài hạn từ chính sách đến kế hoạch triển khai, việc phát triển phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình.
Không chỉ là nhiều cây xanh
Nói về công trình xanh, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng Nhà nước, DN, người dân đều biết công trình xanh nhưng chỉ nghĩ phiến diện rằng “công trình xanh nghĩa là có nhiều cây xanh”. Trong khi đó, yếu tố “xanh” ở đây là đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường. Theo ông Nam, nguyên nhân hiện nay các công trình chưa “xanh” là vì khâu nhận thức thiết kế còn đang hạn chế. Ông Nam nêu thực tế, không ít tòa nhà, chung cư xây dựng mới đây nhưng nắng chiếu thẳng, trực tiếp vào căn phòng, kính mỏng dính, tường không cách âm… Ngay cả những căn hộ được thiết kế mới nhưng phải thắp điện 24/24 giờ, mặc dù Việt Nam là nước nhiệt đới, ánh nắng khắp nơi.
Cùng quan điểm, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Khang, cho rằng công trình xanh không chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt… như trước đây người ta thường nghĩ, mà xanh ở đây bao hàm ý nghĩa sinh thái và sự thân thiện với môi trường. Từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2. “Thân thiện với môi trường không tỷ lệ nghịch với sự tiện nghi. Với công trình xanh, việc thiết kế công trình có ban công rộng, thông gió tự nhiên, bóng nắng tự nhiên... giúp quản lý các tòa nhà thuận tiện hơn, lành mạnh hơn và sử dụng năng lượng ít hơn, nhưng vẫn hiện đại, đẹp, phù hợp với phong cách sống Việt Nam và không tốn chi phí nhiều hơn so với một tòa nhà căn hộ tiêu chuẩn”, bà Mẫu cho hay. Theo bà Mẫu, một số vật liệu được khuyến khích sử dụng trong các công trình xanh là xi măng, cốt thép tái chế hoặc tre… Chỉ riêng với tre, có thể thiết kế ra rất nhiều vật dụng tiện nghi, nhưng vẫn có độ bền, rẻ và thân thiện môi trường.
HÀ PHƯƠNG - VI QUÂN
Năng lượng sử dụng trong xây dựng và các hộ gia đình chiếm 37% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Mức độ ảnh hưởng của ngành xây dựng là rất lớn trong khi áp lực gia tăng dân số ngày càng cao. Ở Việt Nam, mỗi năm xây dựng mới 100 triệu m2 nhà ở (chưa kể hơn 1 tỷ m2 nhà ở hiện hữu), 1m2 nhà ở tiêu hao 120kWh điện/năm, đặc biệt là công trình cao ốc văn phòng có mức tiêu hao rất nhiều. Để tăng sản lượng điện, hiện Việt Nam mỗi năm nhập và đốt hàng chục triệu tấn than, thải ra môi trường hàng chục triệu tấn CO2, thải ra 20 - 30 triệu tấn tro xỉ… Thay vì bỏ tiền đầu tư nhà máy điện, nhập khẩu than để tăng sản lượng điện thì theo tôi, Nhà nước nên đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình xanh nhằm tiết kiệm điện.
Ông NGUYỄN TRẦN NAM
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam