(SGGPO).- Tỷ lệ chỉ xấp xỉ 12% học sinh cả nước chọn thi môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (lần đầu tiên Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép học sinh tự chọn môn thi) không nằm ngoài tiên đoán trước đó của các cán bộ, giáo viên, chuyên gia giáo dục. PV SGGP đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Con số chỉ 11,52% học sinh chọn thi môn sử có làm ông thấy chạnh lòng?
* Nhà sử học Dương Trung Quốc: Điều đó nó thể hiện rất rõ một thực tế là có vấn đề liên quan đến môn sử khiến các em e ngại. Bộ GD-ĐT đưa môn sử vào danh sách các môn tự chọn là cách làm tạo cho các em được quyền chủ động lựa chọn, vì vậy chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn đó của các em. Vấn đề môn sử cũng giống như đối với môn ngoại ngữ (môn ngoại ngữ cũng chỉ có 15,85% học sinh chọn thi). Môn ngoại ngữ đã được chúng ta đưa vào đề án quốc gia, một chương trình giáo dục lớn. Về lý thì có thể là môn thi bắt buộc, nhưng bộ GD-ĐT lại phải đưa vào là môn tự chọn.
Tất nhiên, mỗi một môn đều có vấn đề của nó, dù sao môn sử cũng thiếu hấp dẫn với các em do có vấn đề về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy. Còn môn ngoại ngữ có thể là có vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy.
* Điều đó cho thấy việc dạy và học sử chưa đạt kết quả như mong muốn?
* Con số 12% này không đến nỗi quá bi quan, dù đúng là có vấn đề. Nhưng chúng ta đừng đòi hỏi các em phải đặt môn sử ngang như môn văn, toán. Mỗi môn có một vị trí riêng trong việc hướng nghiệp của học sinh. Môn lịch sử theo tôi vấn đề ở chỗ là rất ít người đi theo nghề sử, không nên đòi hỏi các em phải chọn thi môn sử. Vì học sử là học suốt đời.
* GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mong muốn đưa sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc để cải thiện tình hình học sử hiện nay?
* Đó chỉ là một giải pháp mang tính kỹ thuật thôi, tức là các em bắt buộc phải làm điều đó, phải thi thì phải học và các thầy cô giáo cũng bắt buộc phải nâng cao chất lượng dạy môn sử của mình. Tôi cho đó là nhân tố kích thích, cần thiết. Nhưng bản thân tôi là người làm sử thì lại không bao giờ đòi hỏi một cách quá cao, tuyệt đối về điều này. Vì các em đang đứng trước một thực tiễn của mình là phải thi cho đỗ.
* Nhưng nếu có quyền đưa ra quyết định các môn thi bắt buộc, ông có chọn môn sử không?
* Nói ra thì méo mó nghề nghiệp, nhưng nếu để đạt được mục tiêu đào tạo phổ thông lấy đào tạo con người làm nền tảng thì môn sử là rất quan trọng. Ở một số nước họ đặt sử và địa lý là 1. Văn cũng là môn có thể chuyển tải sử rất nhiều. Vì vậy sử là môn học đặc thù, đòi hỏi phải có những ứng xử phù hợp. Tôi từng trả lời phỏng vấn SGGP là nếu nơi nào trả lương 2-3.000 USD/tháng cho người làm sử thì chắc chắn các em sẽ có động lực để lựa chọn môn này thôi.
Phan Thảo
>> Chỉ có khoảng 12% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn lịch sử