
Trong 20 gương mặt thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2005” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam bình chọn có một nhà sư người Khmer.
Nhiều năm qua, anh đứng ra phụ trách “học kỳ hè” miễn phí, xóa mù chữ Việt, Khmer cho hàng ngàn lượt học sinh và thanh thiếu niên nông thôn. Đặc biệt gần 2 năm qua, ở cương vị là Bí thư chi đoàn với 100% đoàn viên là các nhà sư trẻ, “anh” đã hướng các hoạt động của chi đoàn mình càng thiết thực và gần gũi với xã hội. Đó chính là sư Danh Hữu Giang, 26 tuổi, ở chùa Sóc Xoài - Hòn Đất, Kiên Giang.
“Học kỳ hè” miễn phí

Từ Cần Thơ, vượt hơn 140km đường chúng tôi về Hòn Đất tìm vị cán bộ Đoàn đặc biệt này. Hỏi thăm đường vào chùa Sóc Xoài, chị chủ quán cà phê gần ngã ba vui vẻ đáp: “Chùa có Đoàn thanh niên của sư Giang chứ gì? Đi thẳng, năm trăm thước là tới ngay. Con đường này mấy ông sư thanh niên vừa sửa chữa lại đó”.
Gần 10 năm qua, từ khi về chùa, sư Danh Hữu Giang miệt mài học tập văn hóa, trao dồi kinh kệ và hoạt động xã hội như một tấm gương tiêu biểu cho các sư trong chùa và thanh thiếu niên địa phương. “Vào chùa tu được một thời gian, thấy nhiều trẻ em không biết chữ và học sinh vào dịp hè thường đi chơi rong ruổi, có khi còn quậy phá, đánh nhau… nên sư Giang đề nghị chùa đứng ra tổ chức dạy hè và xóa mù chữ cho những đứa trẻ ở vùng quê nghèo này.
Năm đầu tiên (1997) qua sự vận động của nhà chùa, có mấy chục em tới học. Sư Giang đã có trình độ phổ thông trung học, tốt nghiệp sơ cấp Pali, tiếng Khmer rất giỏi nên dạy tụi nhỏ hiểu nhanh lắm. Nhà chùa lo tiền dựng lớp học, còn sách vở thì vận động mạnh thường quân và các nhà hảo tâm. Ban đầu khá chật vật, nhưng không đứa nào bỏ học” - Đại đức Danh Phãn - Trụ trì chùa Sóc Xoài nhớ về những ngày đầu gầy dựng “học kỳ hè” của đệ tử mình.
Chị Huỳnh Thị Thanh Trúc - Phó ban Mặt trận Thanh niên - Tỉnh đoàn Kiên Giang, nhận xét: “Bí thư Giang là người năng động, chịu khó học hỏi. Tại các kỳ họp mặt, tập huấn, Bí thư Giang luôn tìm cách nắm bắt vấn đề cặn kẽ. Sư Giang chính là hạt nhân tạo ra sức sống khỏe cho Chi đoàn của các nhà sư!”. |
Thấy mô hình thiết thực, hiệu quả - nhất là ôn kiến thức cho học sinh khi nghỉ hè, xóa mù cả tiếng Khmer và tiếng Việt cho nhiều trẻ em Khmer; chính quyền địa phương cho phép nhà chùa mở lớp hàng năm vào mùa hè. Gần đến hè năm 1998, các nhà sư vào các phum, sóc vận động trẻ em ra lớp xóa mù, hay đến các trường học tập họp trẻ đi học hè. Năm đó, số học sinh tăng hơn 150 đứa, phải chia ra 4 lớp. Mỗi ngày 1 buổi, nội dung gồm tiếng Việt theo chương trình phổ thông, tiếng Khmer và thể dục.
Cuối khóa học chùa tổ chức thi kiểm tra chất lượng. Kết quả thông báo đến tận tay phụ huynh học sinh… “Số lượng học sinh hàng năm không ngừng tăng thêm. Cứ gần đến hè là tự động phụ huynh dẫn con em đến chùa đăng ký học hè miễn phí. Năm 2005 – 2006, số lượng lên đến 400 em, nhà chùa phải bố trí 12 lớp, trong đó vì hết chỗ nên 2 lớp phải học gởi bên ngoài…! Tại mấy anh đến vào lúc cuối tuần, nếu ngày thường thì không khí nơi đây chẳng khác gì so với trường học” - Đại đức Danh Phãn - cho biết.
Ngoài học văn hóa, học sinh được các nhà sư giảng về đức làm người, lòng hiếu thảo, tính thật thà, trung thực nên tính cách của các em phát triển rất tốt. Anh Danh Phận nhà bán tạp hóa ở gần chùa tấm tắc khen: Hai đứa con tôi học lớp ba, lớp bốn, đều qua chùa học hè. Không quên bài cũ, chúng nó còn rất lễ phép và còn phụ giúp bà xã tôi bán đồ”.
Trụ trì chùa nhận xét tóm tắt về đệ tử của mình: “Ở đây gần 10 năm, hầu như công việc nào của sư Giang đều hướng đến cái chung, vì lợi ích của nhiều người…”. Còn Danh Hữu Giang bộc bạch: từ nhỏ lớn lên ở địa phương này, mình may mắn là được đi học đầy đủ. Mình thấy vì quan niệm chưa cởi mở của cha mẹ nên nhiều trẻ em người Khmer còn thiệt thòi vì không biết chữ. Từ đó mình muốn giúp cho các em ham học để có tương lai sáng sủa hơn”.
Bí thư Đoàn của các nhà sư

Công tác xã hội của các sư trẻ ở chùa Sóc Xoài mang lại nhiều lợi ích, người dân ủng hộ, thu hút sự quan tâm của chính quyền và đoàn thể các cấp. Năm 2004, anh Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Chi đoàn thị trấn Sóc Sơn vận động nhà chùa nên thành lập Chi đoàn TNCSHCM để có điều kiện phát huy sức mạnh phong trào thanh niên địa phương.
“Thật sự khi đó mình cũng lo! Nhưng được các anh chị ở Huyện đoàn và Tỉnh đoàn hứa ủng hộ, sát cánh cùng hoạt động của chi đoàn cũng như tin tưởng khả năng của sư Giang nên mình đồng ý và giới thiệu “anh ấy” làm Bí thư chi Đoàn đúng như gợi ý của mấy anh ở chi đoàn thị trấn và tập thể sư trẻ ở chùa” - Đại đức Danh Phãn tâm sự.
Ngày 20-8-2004, Chi đoàn Thanh niên chùa Sóc Xoài chính thức được thành lập với 34 đoàn viên đều là các nhà sư trẻ ở chùa. Đa số đang học và tốt nghiệp phổ thông trung học, 3 người có chứng chỉ A, B tin học. Tỉnh đoàn Kiên Giang quan tâm đặc biệt đến chi đoàn này, đã đặc cách 2 cán bộ chịu trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn chi đoàn hoạt động theo điều lệ. Do chưa có “tiền lệ”, việc tạo dựng chi đoàn thoạt đầu làm không ít người băn khoăn, không biết phải tổ chức hoạt động ra sao cho phù hợp với đặc thù môi trường sinh hoạt? Nhưng sự hoài nghi ấy nhanh chóng bị đẩy lùi, thay vào đó là những thành quả ngày càng dày thêm.
Chỉ cho chúng tôi xem 250 cây xoài và bạch đàn xanh tốt phủ bóng mát cho học sinh vui chơi, sư Giang nói với chút tự hào: Đó là kết quả tháng hoạt động đầu tiên của chi đoàn! Chưa hết chi đoàn còn quyên góp tiền thăm hỏi, động viên anh Danh Dương bị bệnh, nghỉ học hơn nửa tháng trở lại trường; tháng tiếp theo là “chiến dịch” vệ sinh môi trường… Mới đây, chi đoàn vận động gần 1 triệu đồng giúp đỡ một gia đình ở thị trấn Sóc Sơn có hai người bị tai nạn chết và giúp gia đình một thầy giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tháng 10-2004, Chi đoàn Thanh niên chùa Sóc Xoài vinh dự được Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Thành Phong đến thăm và tặng 5 bộ máy vi tính. Huyện đoàn hỗ trợ giáo viên hướng dẫn các nhà sư học vi tính. Đến nay, các sư đã là “giảng viên tin học” cho lớp trẻ quanh vùng về tin học…
Trước khi chia tay chúng tôi, sư Giang bật mí kế hoạch hoạt động từ nay đến cuối năm của chi đoàn: Hoàn thành tốt học kỳ hè, tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, sửa chữa cầu, đường vào phum sóc; tương trợ các đoàn viên thanh niên gặp khó khăn; phấn đấu học tập để trở thành những đoàn viên gương mẫu…
Cuối năm 2005, người dân ở xã Phú Lợi, huyện Kiên Lương đã tấm tắc khen mấy vị sư trẻ hì hục xây dựng chùa Giồng Kè. Ít người biết đó là 30 đoàn viên luôn sát cánh bên vị “thủ lĩnh” Danh Hữu Giang. |
CAO PHONG-BÌNH ĐẠI