Theo nội dung tờ trình, UBND của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới) vừa qua đã chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng 23 hồ sơ đề án sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ đã thẩm định 23 hồ sơ đề án trên và tổng hợp, xây dựng thành 1 đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Hiện nay, dự thảo đề án của Chính phủ xác định, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp (Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng).
Về phương án sắp xếp, có 23 phương án sắp xếp đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới.
Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).
Cũng theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp cho thấy, tỷ lệ đồng thuận cao, trung bình cả nước là 96,19% và 100% HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 52 tỉnh, thành phố đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của địa phương mình.