Không riêng đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân mà nhiều khu vực khác tại TPHCM cũng đang và sẽ nâng cao đường để chống ngập, người dân sở tại cũng vất vả tôn nền. “Cuộc chiến” chống ngập giữa nhà và đường ngày càng mệt mỏi...
Thi công nâng hẻm 824 đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhà nhà thành hầm
Hẻm 845 đường Nguyễn Bình, ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, vừa được nâng cấp gần cả mét. Cả tuyến hẻm như một đại công trình ngổn ngang, phần vì thi công dang dở chưa làm vỉa hè, phần thì người dân đổ vật liệu xây dựng để sửa chữa lại nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Sáu, một người dân sống trong hẻm, cho biết đường nâng lên cao quá nên ông cũng phải nâng nền nhà cho bằng đường. “Nhà tôi nâng nhiều lần rồi, nền sắp đụng trần nên lần nâng này gần như là xây lại. Tốn cả trăm triệu đồng chứ không ít! Tôi chỉ làm phần nhà trước để nước không tràn vào thôi chứ tiền đâu mà nâng cả ngôi nhà?”, ông Nguyễn Văn Sáu nói. Quả thật, trái ngược với sự khang trang, bằng phẳng đằng trước thì phần nhà phía sau cửa sổ đã chạm nền. Một số hộ không đủ chi phí thì chọn cách xây tường trước nhà để ngăn nước trên đường tràn xuống, đã biến ngôi nhà thành những căn hầm. Tuy vậy, nhiều người dân được hỏi cho biết họ đồng tình với việc nâng cao hẻm. Bởi lẽ hẻm này trước kia ngập nặng và sắp tới đường Nguyễn Bình cũng sẽ nâng lên cao, nếu không nâng con hẻm sẽ ngập trầm trọng hơn và nhà dân vì thế cũng sẽ tràn trề nước. Đối diện với hẻm 845, hẻm 824 cũng chuẩn bị nâng cao thêm 70cm để chống ngập và “đón đầu” dự án nâng đường Nguyễn Bình.
Ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết, dự án nâng cấp đường Nguyễn Bình chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Văn Tạo đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đoạn từ đường Nguyễn Văn Tạo đến đường Lê Văn Lương, qua địa bàn xã Nhơn Đức thuộc giai đoạn hai, đã được ghi vốn; hiện đang chờ Sở Giao thông Vận tải duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công vào quý 4-2016. Thông tin từ Ban Quản lý đầu tư, xây dựng công trình Nhà Bè, sẽ nâng thêm khoảng 40-60cm, cao độ mới toàn tuyến Nguyễn Bình là 2,3m. Đơn vị này khẳng định, mức nâng không cao lắm, có làm vỉa hè, hệ thống thoát nước, vả lại khu vực này cũng còn nhiều kênh rạch thoát nước nên sẽ không gây ngập nhà dân hai bên đường.
Giải quyết bằng quy hoạch đô thị
Chúng tôi cũng tiếp xúc với một số hộ dân ở ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Chỉ nền nhà cách cửa sổ chưa đầy 1m, bà Nguyễn Thị Sáu ngụ ấp 1, xã Nhơn Đức, kể đó là “kết quả” của 4 lần nâng nền chống ngập và lo lắng về đợt nâng nền thứ 5. “Bên cạnh nhà tôi là miếng đất trống và thấp nên nước triều hay nước mưa cũng đổ vào đấy. Giờ người ta đổ cát, tôn nền cao hơn chuẩn bị xây nhà nên bên tôi ngập là cái chắc!”, bà Sáu rầu rĩ.
Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, câu chuyện của bà Sáu cho thấy hiện tượng chống ngập tự phát, chạy đua tát nước qua nhà hàng xóm, do thiếu chiến lược quy hoạch và quản lý xây dựng tổng thể. Bên cạnh đó, việc nâng đường chống ngập hiện nay cũng nên xem xét lại. Bởi lẽ, quá trình quan trắc, phát hiện nhiều mốc cao độ bị lún sụt - trồi, thậm chí là bị san lấp. Từ đó dẫn đến việc tính toán cao độ san nền cho công trình chống ngập cũng như các công trình khác có thể không chuẩn xác, làm cho công tác chống ngập không mang lại hiệu quả, ngược lại gây lãng phí ngân sách, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì vậy, thành phố cần thống nhất sử dụng một hệ mốc chuẩn. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa cho toàn thành phố, trước mắt, chưa thể thực hiện được mà chỉ có thể khoanh vùng, dẫn mốc riêng cho từng khu vực có tính toán điều kiện nước biển dâng và lún đất.
PGS-TS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng, nêu một thực tế là 75% các điểm ngập tại thành phố có cao độ lớn hơn 2,5m và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40mm và bất chấp mực nước ở Phú An thấp hay cao. Điều này có nghĩa rằng phần lớn các điểm ngập hiện nay bị ngập không vì lý do địa hình thấp mà nguyên nhân chính là tác động của quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý. Do đó, việc chạy đua nâng đường, nâng nhà chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính cục bộ. Ngược lại, diện tích bê tông hóa bề mặt của thành phố đã làm giảm khả năng thấm nước tự nhiên, từ khả năng thấm trung bình 50% lượng nước mưa giảm chỉ còn 15%, làm gia tăng lượng nước chảy trên bề mặt gây ra ngập lụt. Việc tăng diện tích bê tông hóa tại vùng ven càng nghiêm trọng, vì khu vực này vốn là diện tích hồ, ao và kênh rạch thoát nước. Nguyên nhân ngập lụt hiện nay chủ yếu do đô thị hóa không hợp lý nên phải giải quyết vấn đề bằng quy hoạch đô thị.
Theo PGS-TS Lưu Đức Cường, cách tiếp cận xây dựng công trình theo truyền thống không còn phù hợp đối với TPHCM mà việc giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị thông qua quy hoạch đô thị phải được nghiên cứu từ bài toán quy hoạch tổng thể cho đến thiết kế chi tiết cho từng khu đô thị, từng công trình theo hướng tiếp cận mềm dẻo, tôn trọng tự nhiên, cân bằng giữa bảo vệ - thích nghi - rút lui phù hợp với đặc điểm từng khu vực cụ thể. Bên cạnh đó, các nguyên tắc thoát nước sinh thái cần phải được áp dụng vào thiết kế công trình kiến trúc, cảnh quan nhằm tăng diện tích điều tiết nước thay vì các biện pháp bơm sạch, rút nhanh như hiện nay.
KHÁNH LÊ