Nhạc trẻ ngày nay quá… ủy mị! Nói như thế thật không quá, vì kiểu hát rên rỉ bởi tình tan vỡ, bởi tình bi lụy, đau thương, cay đắng, khổ đau vật vã… đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các CD, VCD ca nhạc của ca sĩ trẻ, ca sĩ mới nổi. Mức độ ủy mị nhiều đến mức quá tải. Ca từ sử dụng trong nhiều ca khúc quá dễ dãi, thiếu chắt lọc, lắm khi còn trần trụi, sỗ sàng.
Có sự khác nhau chăng giữa các bài hát khóc than tình yêu là mức độ “đau” nhiều hay ít, cách thể hiện sự tang thương, rầu rĩ, ảo não của ca sĩ vừa phải hay quá đà. Thế nhưng, dòng nhạc thị trường hiện nay dường như khoái “diễn” với các cơn đau tình ái, chúng càng được làm đậm thì càng thu hút sự hứng thú của một bộ phận giới trẻ.
Dù không biết người nghe nhạc trẻ cảm nhận được bao nhiêu về nội dung âm nhạc, phong cách âm nhạc và hình ảnh ca sĩ, nhưng với nhiều bạn trẻ, mỗi ngày phải nghe vài bản nhạc tình rên rỉ mới “đã ghiền”.
Các bài hát có nội dung đại loại như “Trong tình yêu người ta vẫn nói khi yêu ai đừng yêu quá thật lòng, trong tình yêu người ta cứ nói khi tin ai đừng tin quá thật tình… tình dù phải có lúc xé nát đớn đau con tim mù lòa…” (Trong tình yêu người ta nói - Tuấn Khang), hay “…giờ làm sao để được nghe tiếng yêu thương chân thành. Làm sao? Làm sao đây hỡi tôi. Vì nhân thế vẫn cứ nói tình yêu hôm nay chỉ là khổ đau. Giờ đây con tim trong tôi chẳng thể tin ai yêu tôi và chẳng dám nói yêu mỗi người. Thà rằng không yêu thương ai cũng chẳng mong ai yêu mình để con tim tôi không phải khổ đau…” (Xin cho tôi được yên – Phạm Khánh Hưng), và “…đừng hỏi tại sao con tim em không biết đau vì em đã quá đau mất cảm giác đau rồi anh…” (Không đau vì quá đau – Quang Huy)…
Một giáo viên ở quận 10 cho biết: “Nhiều em học sinh cấp 1, cấp 2 nhưng đã thích nghe nhạc trẻ tình yêu tay ba, tay tư. Khi chạy xe ngoài đường các em cũng chẳng hề quan tâm đến xung quanh vì còn bận thả hồn theo tiếng nhạc phát hết công suất từ máy MP3”.
Tại nhiều giảng đường cũng xuất hiện không ít hình ảnh thầy cô giáo giảng bài trên bục giảng, sinh viên phía dưới ngồi chăm chú… nghe nhạc trẻ từ headphone... Có thể thấy sức ảnh hưởng của nhạc trẻ đối với đời sống và sự phát triển tâm sinh lý giới trẻ là có thực, chỉ mong sao khi bắt tay sáng tác các nhạc sĩ cần quan tâm nhiều hơn đến nội dung, phát huy những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống thực tế để hướng giới trẻ yêu nhạc sống tốt hơn.
THÚY BÌNH