Nhân cách nhà giáo

Tôi đang ngồi chấm bài. Đồng hồ đã điểm 10 giờ khuya. Bỗng nghe có chuông bấm ngoài cửa, tôi chạy ra mở cửa thì bất ngờ thấy Liên một nữ sinh lớp 12A đến. Tôi bảo:

- Vào đây. Có gì mà đến khuya vậy?

Em không trả lời. Bước vào nhà với vẻ mặt xúc động. Em ngồi xuống trước mặt tôi. Tôi hỏi:

- Có bài gì không hiểu à?

Im lặng.

- Lại có chuyện gì giận nhau với bạn hả?

Im lặng.

- Có gì nói cô nghe nào?

Em ấp úng một lúc, rồi nói:

- Cô ơi, lỡ yêu thầy rồi làm sao hả cô?

Tôi phát hoảng lên nhưng vẫn cố bình tĩnh dịu giọng hỏi:

- Em yêu thầy nào? Thầy đã có vợ chưa?

- Không. Bạn em yêu. Thầy chưa có vợ ạ!

Tôi như cất một gánh nặng, thở phào nhẹ nhỏm, rồi lựa lời khuyên bảo: 

- Các em đang học lớp 12. Trước mắt là kỳ thi quyết định cho cả cuộc đời. Hãy cố gắng vượt qua sự chi phối của cảm xúc, tập trung học để thi cho tốt đã, sau đó thì bạn em hoàn toàn có thể bày tỏ tình cảm của mình đối với thầy. Thầy chưa có vợ thì không có vấn đề gì cả. Nhưng mà bạn nào? Thầy nào vậy? Ngập ngừng một lúc rồi Liên nói rất khẽ:

- Bạn lớp trưởng lớp em… yêu thầy… chủ nhiệm cô ạ.

Tôi biết, Hùng là một giáo viên trẻ dạy Toán giỏi, chủ nhiệm 12A. Tôi nói: Thôi em cứ về khuyên nhủ bạn như cô đã nói.

- Nhưng cô ơi! Em đã khuyên rất nhiều rồi mà bạn ấy vẫn không học được. Bạn em muốn nhờ cô hỏi: Thầy có yêu bạn em không thì bạn ấy mới yên tâm học được. Thấy bạn đau khổ không tập trung tư tưởng để học, em thương bạn quá nên chạy đến đây.

Tôi hứa:

- được rồi, cô sẽ hỏi. Nhưng mà phải hứa với cô luôn ở bên bạn, động viên bạn học thi cho tốt, đừng để bạn buồn, phân tâm. Liên vui vẻ ra về.

Sáng hôm sau đến trường, giờ ra chơi tôi gặp cậu Hùng và nói:

- Cuối buổi hôm nay cô muốn gặp em một chút. Em có rảnh không?

Hùng trả lời:

- Em rảnh cô ạ. Có gì không cô?

- Ừ cũng không có gì lắm. Nhưng nhớ vào phòng cô chơi nhé.

12 giờ Hùng vào phòng tôi, rất bình thường như mọi ngày. Cậu hỏi:

- Có gì không cô?

Tôi nói:

- Em ngồi xuống đây cô có chuyện muốn nói.

Tôi rào trước đón sau chuẩn bị tinh thần cho cậu một lúc rồi mới nói:

- Cô hỏi em chuyện này, không phải với tư cách là Ban giám hiệu, là Bí thư chi bộ mà với tư cách một người bạn đồng nghiệp, một người chị lớn. Em có quyền từ chối không trả lời, nhưng đã trả lời thì hãy trả lời cho thật.

Cậu có vẻ hồi hộp.

- Cô hỏi thật nhé: em có biết Hòa yêu em không?

Cậu ta hơi hoảng:

- Cô ơi nhưng em có làm gì sai trái đâu.

- Thì cô có nói em có gì sai đâu. Cô chỉ hỏi em có cảm nhận được điều đó không thôi.

Cậu ta trả lời rất khẽ:

- Có.

- Vậy tình cảm của em đối với nó thế nào? Em có yêu nó không?

Cậu trả lời không chút đắn đo.

- Em đối với Hòa cũng như đối với tất cả các em khác thôi cô ạ.

Im lặng một lúc rồi tôi nói:

- Em biết cô đã là người mẹ, lại là cô giáo dạy văn, cô rất hiểu tâm trạng của Hòa lúc này. Rất có thể là mối tình đầu của nó. Em đừng làm nó thất vọng đau khổ, nó sẽ thi rớt mất. Nó học rất giỏi. Nhưng em cũng đừng làm nó hy vọng. Em cứ gần gũi nó như bao học sinh khác, động viên nó ôn thi thật tốt. Em trưởng thành hơn nó, em là thầy của nó, em phải biết chọn cách tốt nhất, đưa học sinh của em vượt qua thử thách để đi đến đích.

Im lặng một lúc rồi cậu ngẩng lên nhìn thẳng vào tôi mà nói:

- Vâng em hứa. Cô hãy tin ở em.

Những ngày sau đó tôi chẳng biết cậu ta làm gì, nói gì mà trong những giờ dạy của tôi Hòa luôn luôn vui vẻ, nét mặt không còn buồn như trước. Tôi cảm thấy yên tâm. Năm đó Hòa thi đậu đại học.

Tôi nghĩ trong ngành giáo dục của chúng ta vẫn có rất nhiều, rất nhiều những thầy giáo trẻ yêu nghề và có nhân cách cao thượng, hết lòng vì thế hệ tương lai của đất nước. Ông cha ta thường có câu: “thầy nào trò ấy” giản dị mà vô cùng sâu sắc. Vâng. Muốn có một thế hệ học trò thông minh sáng tạo có đạo đức tư cách tốt trước hết phải có những người thầy giỏi và có nhân cách.

Nhà giáo ưu tú Diệu Hương

Tin cùng chuyên mục