Nhận diện những cản ngại khi gia nhập WTO

Nhận diện những cản ngại khi gia nhập WTO

Khả năng Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm nay có thể chưa thực hiện được, thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định vấn đề này cũng sẽ được giải quyết trong năm tới. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị được gì khi thời hạn hội nhập ngày một đến gần?

  • Chất lượng tăng trưởng chưa được chú ý
Nhận diện những cản ngại khi gia nhập WTO ảnh 1

Công ty Savimex đầu tư xây dựng nhà máy mới năm 2004 để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Ảnh: Đ.V.D.

Tuy muộn, nhưng mấy năm qua, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị các điều kiện để hội nhập tuy còn xa với mong đợi. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành các biện pháp đầu tư mở rộng quy mô, hiện đại hóa công nghệ sản xuất để tăng trưởng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho tăng trưởng GDP đạt bình quân 8% - 8,2%/năm trong thời gian qua. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này gây được sự chú ý, nhiều nước đánh giá cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao nhất trong khu vực, nhưng thực ra chất lượng tăng trưởng mới là vấn đề đáng lo ngại.

Bởi vì với tốc độ tăng trưởng như vậy, khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh, nhưng trên thực tế, cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn chưa được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao chưa nhiều, tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và hàng sơ chế vẫn chiếm 51% trong tổng giá trị xuất khẩu.

Với tình hình này, khi một số nước trong khu vực được bãi bỏ hạn ngạch dệt may thì hàng Việt Nam sẽ không cạnh tranh được. Đơn cử như với thị trường EU, Việt Nam cũng được bãi bỏ hạn ngạch như các nước đã gia nhập WTO nhưng số lượng xuất khẩu không tăng mà còn giảm.

  • Hiện đại hóa thành hại… doanh nghiệp

Vậy thật sự các doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì trong mấy năm qua? Một số doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn ISO trong quản lý năng suất và chất lượng. Đây mới chỉ là một phần trong quá trình hội nhập, vì về cơ bản vẫn chưa cải thiện được năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp có tiềm lực máy móc thiết bị khá, có khả năng tiếp cận tốt đối với nguồn vốn đầu tư đều là các doanh nghiệp quốc doanh, hay vốn nhà nước còn chiếm đa số vốn yếu kém trong quản lý, năng suất lao động thấp.

Nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư đổi mới thiết bị để cạnh tranh đã bị lỗ nghiêm trọng, sản phẩm tồn kho lớn. Đơn cử như trong ngành giấy, Công ty Giấy Bình An sau khi đầu tư dây chuyền giấy tráng phấn được coi là hiện đại, có công suất 45.000 tấn/năm nhưng sản phẩm khó tiêu thụ do giá thành cao, hiện đang lỗ khoảng 14 tỷ đồng.

Một số dự án đầu tư của TCT Dệt May Việt Nam với máy móc thiết bị hiện đại, nhưng đến nay vẫn chưa ra được sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Mặc dù TCT Dệt May đã tiếp tục ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và quản lý nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nhưng vì vướng phương thức quản lý của doanh nghiệp quốc doanh nên tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Một doanh nghiệp của TPHCM quản lý là Công ty Hóa chất TP cũng trong tình trạng tương tự. Sau khi hiện đại hóa sản xuất, sản phẩm rất khó cạnh tranh do giá bán cao. Mặc dù có lúc giá bán thấp hơn giá thành nhưng vẫn không thể cạnh tranh.

  • Cản ngại từ “căn bệnh” quốc doanh

Vì sao rất nhiều tiền đã đổ ra nhưng các ngành vẫn mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, chưa đủ nội lực để cạnh tranh. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam mới chỉ đứng ở mức của Thái Lan 20 năm trước, và từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bị tụt hàng trong năng lực cạnh tranh. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ cung cách quản lý của các doanh nghiệp.

Thật sự, các mối quan hệ rất phức tạp trong hệ thống các doanh nghiệp quốc doanh đã làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Một giám đốc yếu kém khi buộc phải ra đi (mà thường đi lên) người kế cận phải giải quyết những tồn tại nhiều năm ở đây như hàng hóa vật tư tồn kho, số nhân sự không cần thiết quá nhiều, những đơn hàng thua lỗ…

Đã có doanh nghiệp dệt, khi giám đốc đi lên nhận nhiệm vụ cấp cao hơn thì phát hiện trong giai đoạn vị giám đốc này còn đương nhiệm đã để xảy ra tình trạng công nhân và thủ kho thông đồng ăn cắp vải trị giá 5 - 6 tỷ đồng, trong thời gian rất dài nhưng vẫn được xử lý êm thấm.

Vậy mà, tuy đang trong giai đoạn khó khăn, thậm chí khi tiến hành cổ phần hóa không bán được cổ phần, doanh nghiệp dệt này vẫn được chọn vào danh sách là doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may năm 2005 về xây dựng thương hiệu. Câu chuyện trên cho thấy rằng hệ thống doanh nghiệp quốc doanh đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ngành khác như điện lực, vận tải hàng hải, hàng không, nông nghiệp… đã tổn thất cán bộ rất lớn qua các vụ án tham nhũng bị phanh phui, có nguyên nhân từ những đặc quyền đặc lợi mà doanh nghiệp quốc doanh được hưởng.

Thêm vào đó, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện cũng đã làm rào cản cho tốc độ phát triển. Nhiều chính sách thay đổi quá nhanh khiến cho môi trường đầu tư bất ổn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ cần một chính sách về quản lý đất đai thay đổi đã kéo theo nhiều biến động khôn lường đối với doanh nghiệp. Đây chính là những rào cản doanh nghiệp khi gia nhập WTO.

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục