
Hàng loạt chính sách mới của Chính phủ sẽ bị vô hiệu hóa nếu các cấp thừa hành không triển khai thực hiện, không hiểu thấu đáo và qua quá trình hành xử làm méo mó bản chất của những chính sách này. Đây là một thực tế mà các cấp chính quyền địa phương đang phải đối mặt.
Chính sách đổi mới sẽ vô hiệu nếu...
Sự kiện một cơ sở hoạt động giải phẫu thẩm mỹ vi phạm kéo dài dẫn đến tranh chấp trách nhiệm giữa các sở, ngành chức năng, khiến người ta lo ngại về năng lực giải quyết các vấn đề tại các cấp chính quyền địa phương, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Lê Quốc Ân, đã phiền muộn khi cho chúng tôi biết, sau nhiều năm “chạy” triển khai kế hoạch hình thành Trung tâm nguyên phụ liệu để hỗ trợ phát triển ngành dệt may xuất khẩu, đến nay vẫn chưa xong cái nào.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành dệt may rất cần có trung tâm này để chuyển từng bước từ gia công lên FOB cấp thấp lên cấp cao.
Tại TPHCM, việc hình thành trung tâm này đã đưa vào nghị quyết của HĐND TP, nhưng khi xác định giao cho Vitas 5ha tại quận 9, Vitas đã chi phí rất nhiều công sức và tiền của để vận động xúc tiến đầu tư nước ngoài đến tham gia, nhưng cuối cùng lại được thông báo của cơ quan chức năng là lấy 2ha trong diện tích này để làm hồ.
Với diện tích còn lại thì không thể triển khai làm chợ nguyên, phụ liệu được, nên Vitas lại trắng tay và bắt đầu chuyển hướng về Bình Dương tìm kiếm một địa điểm mới.
Trong khi đó, chỉ một tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), chợ Sigma Thượng Hải đã khai trương thêm một trung tâm nguyên phụ liệu tại Thiệu Gia, trên diện tích 65ha, được xây dựng như một thị trấn chuyên về nguyên phụ liệu dệt may. Trung tâm nguyên phụ liệu Thiệu Hưng, cũng ở Triết Giang, mỗi năm doanh số mua bán đạt trên 3,5 tỷ USD.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại khi Việt Nam đang tiến vào cuộc chơi lớn, nhưng bộ máy chính quyền cơ sở vẫn chưa thích ứng được với yêu cầu phát triển.
Bộ máy đã quen với cơ chế hoạt động cũ, từ cơ chế tuyển dụng cán bộ, những thủ tục hành chính, cung cách hành xử với doanh nghiệp… nếu không chuyển biến kịp thời để đáp ứng hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, của xã hội thì sẽ trở thành rào cản đối với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Chính quyền đô thị cần bộ máy phù hợp
Mới đây, TPHCM đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2007 là 12%-12,5%. Nhưng trong các biện pháp đề ra, chưa thấy rõ những việc cần phải làm để tạo bước chuyển biến tích cực cả về chất lẫn lượng trong công tác điều hành. Vẫn là những biện pháp cũ, đầu việc cũ, tuy quyết liệt, nhưng chưa thể hiện nét mới phù hợp với yêu cầu luật pháp WTO để bảo vệ người tiêu dùng trong nước và các doanh nghiệp.
Một trong những người đang tham gia xây dựng chương trình hội nhập kinh tế thế giới của TPHCM than phiền rằng, có quá nhiều vấn đề mà một thành phố đô thị phải xử lý để có thể hội nhập và phát triển.
Trong ba vấn đề phải điều chỉnh, quản lý nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm thì quản lý nhà nước có vai trò tác động đến quá trình phát triển. Chủ tịch UBND TP trong buổi làm việc gần đây đã yêu cầu, không so sánh TPHCM với các địa phương khác nữa mà bây giờ phải so sánh với đô thị các nước trong khu vực mới đảm bảo các chỉ số để phát triển.
Thế nhưng, nhìn vào những vấn đề của TP không thể không thấy sự ngổn ngang. Một đơn cử điển hình là chương trình giải quyết nhà cho các hộ tạm cư vẫn luôn là nhiệm vụ rất nặng nề. Hậu quả của một quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch phát triển tổng thể đã biến những vùng trũng và đồng ruộng chứa nước phía Nam trở thành phố phường, trong khi chưa có một hồ chứa nước nào được đào thêm, khiến cho TP ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng vào những ngày triều cường hay mưa lớn.
Nhiều khu vực dọc bờ sông Sài Gòn, do quy hoạch thiếu tính toán đã bị tư nhân hóa từng đoạn, vừa làm mất vẻ mỹ quan vừa gây khó khăn cho phát triển sau này.
Trong khi đó, nhiều vị lãnh đạo TP lại bị cuốn hút vào những vụ việc giải quyết sự vụ như những tranh chấp giữa các đơn vị, xử lý nhà xưởng của một công ty, vay thêm vốn đầu tư…, không còn nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề lớn.
Điều đó cũng có thể thấy năng lực xử lý công việc của các sở ngành, quận huyện (chính quyền cơ sở gần dân nhất) chưa đảm bảo được yêu cầu phát triển, dù TP đã thực hiện phân cấp trong nhiều lĩnh vực.
Yêu cầu điều chỉnh bộ máy chính quyền đô thị với những công chức đủ năng lực để chủ động hành xử công việc; tiến hành phân cấp, ban hành các chính sách và cơ chế liên thông giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; hoạch định quy hoạch chung phát triển không gian, cơ sở hạ tầng, các ngành nghề ưu tiên… là nhiệm vụ cần làm ngay để nâng cao sức mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn ra biển lớn của kinh tế thế giới.
VĂN MINH HOA