Nhận diện và ngăn chặn hành vi bán hàng đa cấp bất chính

Qua vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt với hành vi tổ chức mạng lưới bán hàng đa cấp thu hút đến 60.000 người tham gia, trục lợi lên tới 1.900 tỷ đồng, cho thấy người dân không đủ kiến thức pháp lý để nhận diện hành vi bán hàng đa cấp bất chính trên thực tế.

Điều 48 Luật Cạnh tranh và Điều 5 Nghị định 42/2014 của Chính phủ đã chỉ rõ những dấu hiệu để nhận biết một doanh nghiệp đang tiến hành hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Các biểu hiện đó là: Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới này; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình… Ngoài hành vi bán hàng đa cấp bất chính của doanh nghiệp, cá nhân những người lãnh đạo, quản lý hệ thống đa cấp cũng có thể vi phạm pháp luật nếu có những hành vi như: cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp...

Nếu phát hiện bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào có một hoặc một số hành vi như trên, người dân đều có quyền tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo qua đường bưu điện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011). Người tố cáo có thể gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm này. Doanh nghiệp và cả người lãnh đạo, quản lý hệ thống bán hàng đa cấp bất chính đều có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Theo Nghị định 42/2014, các cơ quan giúp Bộ Công thương và UBND cấp tỉnh - thành trực tiếp thụ lý, giải quyết tố cáo về hành vi bán hàng đa cấp bất chính là Cục Quản lý cạnh tranh và Sở Công thương. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, nếu phát hiện hành vi của người đứng đầu, quản lý mạng lưới đa cấp có dấu hiệu tội phạm về lừa đảo, gian đối, cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo sẽ chuyển hồ sơ, tài liệu và những thông tin về vụ việc tố cáo đó cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật hình sự.

Trang bị kiến thức để người dân nhận diện và mạnh dạn tố cáo hành vi bán hàng đa cấp bất chính là điều cần thiết. Việc xử lý những hành vi bán hàng đa cấp bất chính có hiệu quả hay không luôn dựa vào sự mạnh dạn tố cáo từ người dân và việc giải quyết tố cáo dứt khoát, khách quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục