Tình hình ngập nước tại TPHCM đã được cải thiện đáng kể nhờ sự nỗ lực của các cơ quan có trách nhiệm của thành phố, sự quan tâm của Chính phủ và cộng đồng các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp…
Thực tế
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, thành phố đang triển khai các dự án chống ngập nước dựa trên 2 bản quy hoạch đã được duyệt, gồm Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-6-2001 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 và Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Cũng theo báo cáo này, khối lượng các hạng mục đã thực hiện cho đến cuối năm 2016 còn rất nhỏ so với yêu cầu.
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước của thành phố ước tính, để đáp ứng được mục tiêu và các chỉ tiêu giảm ngập nước của thành phố trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn là 97.298 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là trong hoàn cảnh tài chính hiện nay, liệu thành phố trong 3 năm tới có thể thu xếp được khoản ngân sách như vậy hay không, và nếu không thì tình trạng ngập nước sẽ được giải quyết như thế nào? Hiệu quả đầu tư cho các dự án chống ngập nước đã và đang thực hiện ra sao và liệu có thể sử dụng khoản ngân sách nhất định không quá lớn như vậy để cải thiện tình trạng ngập nước trước năm 2020 hay không? Tất nhiên, để trả lời được các câu hỏi trên thật không dễ, nhưng trong hoàn cảnh nguồn tài chính hạn chế như hiện nay thì thành phố cần thực hiện đầu tư thích hợp nhất cho việc giảm ngập. Một số ý kiến sau đây đóng góp với mong muốn việc quản lý ngập nước nói riêng và quản lý phát triển chung đô thị hiệu quả hơn.
Tích hợp các quy hoạch phát triển chuyên ngành
Trong mọi vấn đề, nhận thức là khởi đầu dẫn tới thái độ và hành vi. Nhận thức đúng đắn về vấn đề ngập nước sẽ là cơ sở cho việc hoạch định và triển khai những hành động phù hợp.
Trước hết, nhận thức về nguy cơ và rủi ro ngập nước: Theo số liệu thống kê, trong vòng 40 năm, kể từ năm 1962 đến năm 2001, trên địa bàn thành phố xuất hiện 9 trận mưa với vũ lượng trên 100mm. Nhưng từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 30 trận mưa trên 100mm; chỉ tính trong 5 năm 2011 - 2015 đã có 13 trận mưa trên 100mm; riêng trong năm 2016 có tới 6 trận mưa với vũ lượng trên 100mm; đặc biệt cơn mưa ngày 26-9-2016, chỉ trong thời gian khoảng 2 giờ 15 phút, vũ lượng mưa đã đạt đến 204,3mm, vượt xa tần xuất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay. Như vậy, có thể thấy rằng nguy cơ ngập do mưa lớn ngày càng gia tăng, nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa nhanh. Thử tính mỗi năm có tới 10 trận mưa có vũ lượng lớn hơn 100mm, trong khi chúng ta có ít nhất 6 tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau), sau đó là 3 tháng (6, 7, 8) hầu như không có nguy cơ ngập do mưa và mưa chỉ nhiều vào thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Lúc này, một phần diện tích đô thị có nguy cơ bị ngập (trong tổng thời gian ngập so với cả năm là một con số rất nhỏ). Ngập nước là một trong những vấn đề nóng của thành phố cần phải giải quyết, tuy nhiên sẽ khác với tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến đường. Quản lý ngập nước đô thị hiện nay trên thế giới đều dựa vào cách tiếp cận quản lý rủi ro và mục tiêu của quản lý ngập là nhằm giảm thiểu rủi ro do ngập nước. Các giải pháp đầu tư đều phải được lựa chọn dựa trên cơ sở phân tích và đánh giá rủi ro để đảm bảo tính hiệu quả của đầu tư. Hiện nay thành phố đang và sẽ đầu tư nhiều dự án lớn để chống ngập, nhưng có lẽ hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ chính là từ chỗ chưa nhận thức đúng đắn về nguy cơ và rủi ro do ngập nước đô thị.
Thi công nạo vét rạch Ụ Cây giúp thoát nước một khu vực rộng lớn tại quận 8. Ảnh: THÀNH TRÍ
Điều quan trọng thứ hai phải kể đến là nhận thức về quản lý ngập nước đô thị. Do tính bức xúc của vấn đề ngập nước, thành phố đã triển khai chương trình chống ngập nước và tổ chức một cơ quan chuyên trách điều hành chương trình này, nhưng thực tế cơ quan này không thể cùng lúc đóng hai vai quản lý nhà nước và cơ quan thừa hành nhiệm vụ của thành phố. Thực ra quản lý ngập lụt cần phải được tích hợp trong quy hoạch tổng thể phát triển không gian đô thị, trong đó phải tích hợp các quy hoạch phát triển chuyên ngành. Làm tốt sự tích hợp này thì việc triển khai xây dựng hạ tầng của các ngành sẽ tự nhiên phù hợp với yêu cầu quản lý ngập. Sự việc nâng cao đường Kinh Dương Vương năm vừa qua là một ví dụ về sự thiếu tích hợp quản lý ngập trong các kế hoạch phát triển hạ tầng thành phố. Nếu nhận thức đúng về quản lý tổng hợp phát triển đô thị, trong đó có sự tích hợp quản lý ngập nước thì các chỉ đạo của thành phố và hoạt động của các cơ quan thừa hành sẽ rõ ràng và hiệu quả hơn.
Xây dựng công cụ tích hợp quản lý
Tiếp theo nhận thức đầy đủ và đúng đắn về quản lý rủi ro ngập nước đô thị, thành phố cần có bộ công cụ để quản lý bao gồm quản lý việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch; quản lý việc thực hiện quy hoạch và kịp thời điều chỉnh những tồn tại của quy hoạch phát triển. Không có công cụ, chúng ta sẽ không biết rõ vấn đề ngập nước đang xảy ra như thế nào, ảnh hưởng đến phát triển đô thị ra sao và giải quyết vấn đề này ở mức độ nào được xem là “chấp nhận được”. Bộ công cụ này sẽ được xây dựng trên quan điểm quản lý rủi ro ngập lụt và tích hợp trong nền quy hoạch phát triển tổng thể hạ tầng của thành phố. Bất cứ một đề xuất đầu tư hạ tầng mới đều có thể được kiểm tra bằng công cụ này xem mức độ phù hợp và có thể gây ra ngập lụt hơn không. Nếu có công cụ như vậy, vừa qua thành phố có thể dự đoán được tác động của việc nâng cao đường hoặc xây dựng công trình chống ngập nào đó. Bộ công cụ này nằm trong hệ thống công cụ thống nhất của thành phố nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Cơ sở quan trọng nhất của bộ công cụ này chính là cơ sở dữ liệu thống nhất, cập nhật thường xuyên và thuận tiện chia sẻ cho nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển thành phố. Bộ công cụ không chỉ phục vụ cho cơ quan lãnh đạo của thành phố mà còn là công cụ phục vụ quản lý thực hiện các chương trình, dự án cụ thể của các sở, quận, huyện; đồng thời còn có chức năng chia sẻ thông tin cho cộng đồng.
Thông tin đầy đủ cho nhân dân thông qua công cụ online và các cơ quan truyền thông sẽ giúp người dân nhận thức đúng về tình trạng ngập nước, giảm bức xúc; đồng thời chính người dân sẽ thấy trách nhiệm của mình để có những hành động chung tay với cộng đồng trong cải thiện tình trạng ngập nước.
Hiện nay mỗi khi thành phố muốn biết tình hình ngập nước thường phải yêu cầu các báo cáo từ nhiều sở và trung tâm liên quan. Đây có thể là hệ quả của việc chưa tích hợp tốt công tác quản lý ngập nước trong kế hoạch phát triển hạ tầng của đô thị, đồng thời là hệ quả của việc thành phố chưa có một bộ công cụ để theo dõi và quản lý điều hành.
Nếu nhận thức quản lý ngập chỉ là một nội dung trong quy hoạch phát triển không gian và phát triển hạ tầng đô thị thì trách nhiệm quản lý nhà nước nên giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Đây là nơi có trách nhiệm quản lý việc xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Hoạt động của các sở khác và các quận, huyện nếu phù hợp với quy hoạch đã được tích hợp nội dung quản lý ngập thì đương nhiên sẽ có hiệu quả tổng hợp, trong đó có hiệu quả giảm ngập lụt.
|
PGS-TS Trịnh Công Vấn
(Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong)