Vợ chồng tôi có nhu cầu sắm đồ trang sức kim cương, nên đã tới một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) để tìm mua. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua kim cương nhân tạo, chị nhân viên bán hàng đưa ra một vỉ đựng một viên đá màu trắng và cho biết đây chính là kim cương nhân tạo mà chúng tôi cần. Quan sát trên vỉ thấy có ghi chữ “CZ Diamond Cut” và ghi giá 4,5 triệu đồng. Hôm sau, chúng tôi tới một cửa hàng khác tại quận 5 dọ giá thêm. Tại đây bán kim cương Monissanite 4,5 ly với giá 3 triệu đồng/viên. Qua một trung tâm thương mại lớn ở quận 1, nhân viên bán hàng đưa ra cho chúng tôi xem chiếc nhẫn đính một viên đá lớn lấp lánh, xung quanh là những viên tấm và giới thiệu là nhẫn kim cương, giá bán 40 triệu đồng.
Đã lui tới nhiều cửa hàng nữ trang, chúng tôi vẫn chưa mua được kim cương nhân tạo vì thiếu am tường nên sợ các cửa hàng lừa bán kim cương giả. Sau đó, chúng tôi được một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tư vấn, nhờ đó mới biết trên vỉ đựng có ghi “CZ Diamond Cut” chỉ là thông tin cho biết viên đá CZ được cắt theo giác cắt tiêu chuẩn của viên kim cương, chứ không phải kim cương. Một số người bán đã lợi dụng chữ Diamond, đánh lừa những người thiếu hiểu biết, để bán đá với giá kim cương nhân tạo. Thực tế hiện nay có một số điểm kinh doanh vàng bạc đá quý đang đánh lừa khách hàng, bán đá CZ, Moissanite, Yttrium Garnet… với giá kim cương nhân tạo.
Đa số người tiêu dùng khi mua kim cương dễ bị nhầm lẫn giữa đá nhái kim cương và kim cương nhân tạo. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý mặt hàng này, giúp người tiêu dùng không bị mua nhầm đá nhái kim cương với giá kim cương nhân tạo. Ngoài ra, cũng nên đưa ra những chỉ định về các đặc điểm nhận dạng phân biệt kim cương nhái và kim cương nhân tạo.
LƯƠNG SƠN