(SGGP).- Ngày 9-10, tại TPHCM, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM phối hợp với Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-Nhật Bản.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) vào năm 2008 đã đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước, tạo xung lực cho tăng cường trao đổi thương mại và xúc tiến đầu tư song phương.
Theo bà Thoa, việc tranh thủ tận dụng những thuận lợi trong chính sách thương mại giữa hai nước, những ưu đãi căn bản của Hiệp định VJEPA đã góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương ngay khi hiệp định có hiệu lực, với mức tăng bình quân đạt xấp xỉ 20% và dự kiến sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 16,3 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đạt 8,8 tỷ USD, nhập khẩu từ Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2013 đạt 7,5 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Nhật Bản với thặng dư cán cân thương mại đạt 1,3 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2012. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian gần đây đã có thay đổi, chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Ngoài những mặt hàng truyền thống có khả năng xuất khẩu mạnh vào thị trường Nhật Bản như đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, hàng thủy sản… thì những mặt hàng như máy móc thiết bị cơ khí, điện thoại, máy vi tính, máy ảnh… cũng dần được xuất khẩu với số lượng lớn vào thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, gần đây các sản phẩm nông nghiệp, hoa quả tuy trị giá xuất khẩu còn nhỏ nhưng bắt đầu có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản như trái thanh long, hoa cắt cành, cà phê…
Trong 5 năm qua, Nhật Bản luôn là một trong các quốc gia dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam. Tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20-8-2013, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu tại Việt Nam về tổng vốn đầu tư đăng ký với 33,06 tỷ USD, đứng thứ ba về tổng số dự án với 2.029 dự án và đứng thứ hai về vốn thực hiện với 10,8 tỷ USD. Ngoài ra, với vai trò là đối tác chiến lược hàng đầu, nhà cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu tại Việt Nam, Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng, tích cực, hỗ trợ hiệu quả cho ngành điện Việt Nam thông qua các dự án nguồn điện, truyền tải phân phối điện năng. Cho đến nay, đã có 12 dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản với tổng số vốn vay đạt trên 400 tỷ yên (khoảng 5 tỷ USD).
Bên cạnh các dự án về nguồn điện, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tham gia vào nhiều dự án công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng… quan trọng khác của Việt Nam như dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án xây dựng cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
THÚY HẢI - ĐÌNH LÝ