
Là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng hiện nay kinh tế Nhật Bản lại lâm vào tình trạng suy thoái nặng nhất thế giới. Gốc của vấn đề này xuất phát từ đâu? Theo các nhà kinh tế học của Nhật Bản, bên cạnh nguyên nhân thâm hụt thương mại nặng nề còn có thêm một tác động khác không kém quan trọng là việc thắt chặt chi tiêu của người Nhật Bản.
- “Thập kỷ mất mát”
Trong thập niên 1990, nền kinh tế Nhật Bản bất ổn đã làm cho chế độ lương bổng ở nước này bị kìm hãm và giá chứng khoán rớt thảm hại. Người tiêu dùng Nhật Bản gần như bỏ hẳn thói quen chi tiêu thoải mái. Hậu quả là nền kinh tế càng trì trệ hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hẳn đi, tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng 0,5% mỗi năm, thấp hơn hầu hết các nước phát triển khác trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Người ta gọi thời kỳ này là “thập kỷ mất mát”.
Sự bùng nổ kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc sau đó đã giúp Nhật Bản vượt qua được “thập kỷ mất mát”. Thế nhưng, khi nền kinh tế đã hồi phục, tính tiết kiệm của người dân Nhật vẫn không thay đổi. Kể từ năm 2001 đến 2007, chi tiêu bình quân theo đầu người chỉ tăng 0,2%. Ngay cả người giàu ở Nhật cũng rất tiết kiệm, đơn cử, họ thường dùng nước thải sau khi tắm để giặt quần áo và việc này được coi là một cách tiết kiệm phổ biến. Hay như rượu ngoại chẳng hạn, vốn là mặt hàng ưa thích của giới giàu có ở Tokyo thì sức tiêu thụ cũng giảm 1/5, lượng ô tô được tiêu thụ chỉ bằng một nửa so với trước.
Mặt khác, việc mạnh tay cắt giảm chi phí ở các công ty xuất khẩu lớn như Toyota và Sony nhằm đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nơi có giá nhân công thấp, cũng khiến cho mức chi tiêu của công nhân giảm mạnh.
Để cạnh tranh tốt, các công ty Nhật Bản đã cắt giảm việc làm và tiền lương, thay thế lực lượng lao động dài hạn bằng lao động tạm thời. Và có vẻ như chính giới trẻ đang phải gánh chịu sự thay đổi này. Hiện tại, số lao động tạm thời ở độ tuổi từ 24 trở xuống chiếm tới 48%. Do việc làm mang tính khắc nghiệt và không ổn định nên lực lượng lao động hùng hậu này ngày càng phải cắt giảm chi tiêu để đề phòng tình huống xấu nhất.

Một cuộc điều tra hồi năm ngoái của tạp chí Nikkei cho thấy, chỉ có 25% đàn ông dưới 30 tuổi muốn có ô tô, trong khi năm 2000 con số này là 48%. Phụ nữ trẻ thì dường như mất dần đi thói quen mua sắm đồ thời trang hàng hiệu. Theo báo cáo của hãng thời trang Luis Vuitton, doanh số của họ đã giảm 10% tại Nhật. Cô Risa Masaki, 20 tuổi, sinh viên ở Tokyo, nói: “Tôi không còn thích thú chi tiêu mạnh bạo nữa. Tôi chỉ muốn một cuộc sống khiêm tốn”.
Trong khi đó, niềm hy vọng thế hệ sinh sau Thế chiến thứ 2, những người được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng sau chiến tranh, sẽ sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu mạnh tay khi họ về hưu của các doanh nghiệp cũng tan biến.
Các nhà kinh tế học phân tích rằng, do người về hưu không mấy tin tưởng vào hệ thống lương hưu của chính phủ khiến họ phải tiêu xài ít đi. Bà Naoko, 52 tuổi, mẹ của Risa Masaki, nói: “Tôi rất lo lắng! 5 năm nữa chồng tôi sẽ nghỉ hưu. Tôi không hy vọng lương hưu của người làm phục vụ công cộng như ông ấy đủ sống. Tôi muốn ông ấy tìm một việc làm khác khá hơn và nếu kéo dài được thì càng tốt. Chúng tôi phải tìm cách lo liệu cho tuổi già thôi”.
- Không trông cậy vào tiêu dùng nội địa
Theo các nhà kinh tế, nếu người tiêu dùng tiếp tục giảm chi tiêu có thể dẫn tới tình trạng giảm phát, điều này có thể làm thiệt hại khoảng 21 tỷ USD trong ngân sách dự định dùng để kích thích thị trường của chính phủ.
Trong khi đó, ngành xuất khẩu lại đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường nước ngoài giảm. Điều này càng làm cho nền kinh tế Nhật Bản rơi tự do, bởi nó không thể trông cậy vào tiêu dùng nội địa để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong 3 tháng cuối năm 2008, kinh tế Nhật Bản giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa những năm 1970.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 25-2-2009, thâm hụt thương mại của nước này lên đến 952,6 tỷ yên (tương đương 9,9 tỷ USD), một con số kỷ lục kể từ năm 1980. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán thâm hụt thương mại có thể lên đến 1,2 ngàn tỷ yên. Tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch xuất sang thị trường Mỹ giảm 52,9%, châu Âu giảm 47,4%, Trung Quốc giảm 45,1%.
Nhà kinh tế học Hideo Kumano của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nói: “Do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên khi nhu cầu của thị trường nước ngoài giảm, kinh tế Nhật Bản lập tức trở nên bấp bênh. Nhìn bề ngoài, có vẻ như Nhật Bản đã hồi phục sau “thập kỷ mất mát” của những năm 1990 nhưng thực tế Nhật Bản lại bước vào “thập kỷ mất mát” thứ 2 đó là mất mát tiêu dùng”.
So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số chi tiêu gia đình tháng 1 đã giảm 5,9%. Trong khi đó, việc làm tiếp tục bị cắt và số người thất nghiệp tăng lên hơn 200.000. Theo nhà kinh tế học Yasuhide Yajima của Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo, áp lực cắt giảm đầu tư và việc làm lên các công ty đang tăng dần sẽ làm cho tình trạng suy thoái kinh tế càng sâu và kéo dài hơn.
NGỌC LÊ (tổng hợp từ NYT, BBC)