Nhật Bản tiên phong nghiên cứu vệ tinh bằng gỗ

Trong một nỗ lực nhằm giảm rác thải vũ trụ, Đại học Kyoto (Nhật Bản) đang hợp tác với Công ty Lâm nghiệp Sumitomo của nước này để chế tạo vệ tinh làm bằng gỗ và dự kiến sẽ phóng lên quỹ đạo vào năm 2023. 
Nhật Bản tiên phong nghiên cứu vệ tinh bằng gỗ

Từ lâu, rác và những mảnh vỡ không gian đã là mối quan tâm lớn của các chuyên gia. Tất cả các vệ tinh quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất đều bốc cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ trôi nổi trên tầng khí quyển trong nhiều năm và sẽ gây hại đến môi trường.

Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), có khoảng 500.000 mẩu rác thải không gian đang trôi trong quỹ đạo Trái đất. Những mẩu này di chuyển với tốc độ rất lớn, đủ để gây hại cho các vệ tinh, tàu vũ trụ và cả Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), có thể gây tử vong cho các phi hành gia. Theo tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có gần 6.000 vệ tinh đang xoay quanh Trái đất, nhưng 60% đã không còn hoạt động và coi như rác thải không gian.

Cho nên theo giáo sư Takao Doi của Đại học Kyoto, lợi thế của vệ tinh bằng gỗ là nếu nó rơi ra khỏi quỹ đạo, nó sẽ cháy hoàn toàn khi rơi vào bầu khí quyển, chứ không rơi vãi rác thải xuống mặt đất, tạo thành những chất có hại đọng lại trong khí quyển. Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm các loại gỗ khác nhau trong các điều kiện khắc nghiệt trên Trái đất, nhằm tạo ra một loại gỗ có thể chịu được những biến động dữ dội về nhiệt độ và ánh sáng mặt trời.

Tin cùng chuyên mục