Kyodo News cho biết, phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga xác nhận bản án tử hình Asahara đã được thi hành.
Bị tử hình cùng Asahara sáng nay là 3 môn đồ thân tín: Tomomasa Nakagawa, Kiyohide Hayakawa và Yoshihiro Inoue.
Asahara, tên thật Chizuo Matsumoto, đã bị kết án tử hình vì chủ mưu nhiều vụ giết người, gồm vụ tấn công bằng khí độc sarin vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995.
Cùng Asahara, 12 người khác đã lãnh án tử hình do liên quan chuỗi tội ác của AUM.
Asahara bị bắt vào tháng 5-1995, gần 2 tháng sau vụ tấn công tàu điện ngầm ngày 20-3-1995, cướp đi mạng sống của 13 người và khiến hơn 6.200 người bị thương.
Asahara đã chủ mưu vụ tấn công bằng khí độc sarin vào tháng 6-1994 tại Matsumoto, tỉnh Nagano, làm 8 người chết và hơn 100 người bị thương.
Asahara cũng chủ mưu vụ giết luật sư Tsutsumi Sakamoto cùng vợ và con trai 1 tuổi vào tháng 11-1989. Luật sư Tsutsumi Sakamoto là người đã giúp các bậc cha mẹ tìm cách giải cứu con cái họ khỏi sự kiểm soát của giáo phái tận thế.
Asahara bắt đầu ra tòa vào tháng 4-1996. Tháng 2-2004, Tòa án Quận Tokyo đã phán quyết Asahara phạm tất cả 13 tội bị truy tố và kết án tử hình.
Bản án tử hình Asahara được thi hành sau khi loạt phiên tòa xử các thành viên AUM đã kết thúc sau hơn 20 năm với phán quyết của Tòa án tối cao ngày 18-1 bác bỏ một kháng cáo bản án chung thân của Katsuya Takahashi, cựu thành viên AUM cuối cùng ra tòa.
Theo luật Nhật Bản, tử tù được hoãn thi hành án nếu còn đồng phạm vẫn đang bị xét xử. Khoảng 190 người đã bị truy tố các tội liên quan AUM, và phiên tòa xử Asahara đã mất 7 năm 10 tháng để hoàn tất tại Tòa án Quận Tokyo.
Giáo phái tận thế AUM Shinrikyo phát triển từ một trường yoga do Asahara thành lập năm 1984.
Asahara tuyên bố với các tín đồ rằng mình là hóa thân của Shiva, thần Hindu của sự hủy diệt - tái sinh; buộc các tín đồ giao phó bản thân, tài sản của họ cho Shiva và cho chính Asahara suốt đời.
Sau khi Asahara và 24 thành viên AUM thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 1990 nhằm nắm quyền, Asahara bắt đầu lên kế hoạch giết người hàng loạt để trả thù, theo các công tố viên truy tố Asahara.
AUM đổi tên thành Aleph vào năm 2000 với 2 nhóm liên kết được hình thành, gồm một nhóm do cựu thành viên cao cấp AUM là Fumihiro Joyu thành lập.
Cơ quan Tình báo An ninh Công cộng Nhật Bản cho biết tiếp tục theo dõi các nhóm này, được cho là vẫn chịu ảnh hưởng của Asahara. Tổng số tín đồ của 3 nhóm này khoảng 1.650 ở Nhật Bản và khoảng 460 ở Nga, trong khi các nhóm nắm giữ tài sản hơn 1 tỷ yên (9 triệu USD).
3 vụ án lớn liên quan giáo phái tận thế AUM Shinrikyo
- Tấn công bằng khí độc sarin ở Tokyo
Shoko Asahara chỉ đạo 15 thành viên cao cấp mang các túi nhựa chứa sarin dạng lỏng lên 5 tàu điện ngầm Tokyo trong giờ cao điểm ngày 20-3-1995, sau đó dùng dù chọc thủng túi để chất độc thần kinh này bay hơi. Vụ khủng bố nghiêm trọng nhất Nhật Bản này làm 13 người chết và hơn 6.200 người bị thương.
- Tấn công bằng khí độc sarin ở Matsumoto
Shoko Asahara chỉ đạo một số thành viên AUM phát tán khí sarin từ một xe hơi gắn thiết bị phun trong bãi đậu xe tại một khu dân cư ở TP Matsumoto (tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản), vào tối 27-6-1994, làm 8 người chết và hơn 100 người bị thương.
- Giết gia đình luật sư Sakamoto
Shoko Asahara chỉ đạo 6 thành viên AUM siết cổ luật sư Tsutsumi Sakamoto (33 tuổi), cùng vợ ông Satoko (29 tuổi) và con trai Tatsuhiko (1 tuổi), sau khi lẻn vào nhà luật sư ở Yokohama, gần Tokyo, vào rạng sáng 4-11-1989. Sakamoto là luật sư đã giúp các bậc cha mẹ tìm cách giải cứu con cái họ khỏi sự kiểm soát của AUM.