(SGGPO).- Chiều 11-9, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp (ĐH, CĐ, TC) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2007-2013.
Bộ GD-ĐT cho biết, từ những năm 1990, cùng với việc mở rộng đầu tư xây dựng hệ thống các trường dân tộc nội trú, bộ đã có chính sách tuyển sinh, mở các lớp riêng hệ cử tuyển tại một số trường ĐH, CĐ, TC nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về cán bộ là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào ĐH, CĐ, TC ra đời năm 2006 đã tiếp tục tạo hàng lang pháp lý, thống nhất trong hoạt động cử tuyển tại địa phương, các bộ ngành, các cơ sở đào tạo.
Giai đoạn 2007-2013, số học sinh các dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805 em, đạt 88% so với chỉ tiêu. Số học sinh cử tuyển vào TC trên 2.000 em. Số học sinh, sinh viên cử tuyển được bố trí vào học tại các ĐH, CĐ chủ yếu ở các ngành sư phạm, y tế, kỹ thuật, nông lâm, kinh tế, xã hội nhân văn, nghệ thuật... Về tỷ lệ bố trí việc làm cho các em sau khi ra trường, theo báo cáo của bộ trong 2 năm học (2007-2008, 2008-2009), đến nay mới chỉ có 852 em được bố trí việc làm trên tổng số 2132 em đã tốt nghiệp, chiếm 40% và có 95% học sinh TC tốt nghiệp ra trường được bố trí việc làm.
“Hoạt động cử tuyển được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các đơn vị, trong đó có UBND các địa phương, dựa trên nguyên tắc căn cứ vào định hướng phát triển và nhu cầu của địa phương để đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, trình độ đào tạo, đặt hàng đào tạo với các trường, tổ chức tuyển chọn và quyết định cử người đi học, bảo đảm công bằng và minh bạch”, Bộ GD-ĐT cho biết.
Khó khăn của chính sách này là quy định về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với hệ cử tuyển khó thực hiện (khó khăn cho các địa phương, sinh viên tốt nghiệp ra trường về địa phương phải qua thi tuyển công chức). Ở nhiều nơi sinh viên tốt nghiệp không về công tác, nhưng cũng có nơi sinh viên về thì tỉnh lại không bố trí được việc làm. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, việc xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Địa phương chưa có cán bộ chuyên trách để phối hợp với trường trong quản lý sinh viên trong quá trình học tập cũng như sau khi tốt nghiệp về địa phương. Đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường không trở về công tác tại địa phương, nhiều nơi không kiên quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không cũng không có chế tài về việc này nên khó thực hiện.
Ngoài ra, việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng. Việc giao, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển hàng năm còn chậm (đề xuất chỉ tiêu của các tỉnh, phân bổ của Bộ GD-ĐT), số lượng và ngành nghề chưa căn cứ vào nhu cầu cán bộ và chuẩn bị nguồn tuyển của các địa phương. Trong thời gian đầu thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP, toàn quốc đã có 55/63 tỉnh thành có học sinh cử tuyển. Nhưng số tỉnh cử học sinh giảm dần, đến năm 2012 chỉ còn 29 tỉnh cử học sinh cử tuyển, nhiều tỉnh không đạt được chỉ tiêu đăng ký như Bến Tre, Quảng Bình có năm chỉ đạt 40%. Một số địa phương cử học sinh cử tuyển người Kinh nhiều hơn người dân tộc thiểu số. Một số tỉnh vì không có người đồng bào dân tộc thiểu số đã cử hoàn toàn người Kinh đi học…
PHAN THẢO