Trong cơn đói vốn, nhiều đại gia bất động sản (BĐS) đã phải tự cứu mình bằng nhiều chiêu trò. Chẳng hạn, các chủ đầu tư BĐS cùng các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng chấp nhận bắt tay nhau, đổi hàng lấy hàng để duy trì sản xuất.
Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Láng (Hà Nội) cho biết đã ký hợp đồng với một DN BĐS đổi lấy một sàn chung cư (khoảng 10 căn hộ) ở khu đô thị mới Văn Quán. Nếu tính theo giá thị trường cùng thời điểm, giá 10 căn hộ này vào khoảng 10 tỷ đồng. Do hình thức mua bán là trao đổi nên chủ đầu tư sẽ chiết khấu cho cửa hàng thêm 10%. Tuy nhiên, để “đẩy” được món hàng mới này đi cũng không phải đơn giản. Tương tự, một số trang mua bán, rao vặt trên mạng, có người đã đổi một căn nhà lấy một chiếc Mercedes. Rồi rất nhiều DN phải chọn cách bán dự án, hoặc xin chuyển đổi công năng từ dự án để bán sang căn hộ cho thuê, căn hộ dịch vụ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng không dễ bởi theo ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý đã xem xét đến các phương án cảnh quan, không gian dự án có phù hợp với quy hoạch chung cũng như đảm bảo điều kiện về việc phân bố dân cư hay không... Hơn nữa, theo quy định, trong các quận trung tâm việc xin chuyển đổi từ chung cư cao tầng sang tổ hợp văn phòng có thể được, còn nếu DN xin phân lô bán nền là không thể. Đó là chưa kể đến chênh lệch tiền thuế DN phải nộp khi chuyển đổi mục đích các dự án….
Tuy nhiên, về phía cơ quan chủ quản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng chuyện mua bán dự án là rất bình thường, khi trên thị trường luôn có những DN mạnh về tài chính và cũng có những DN đang gặp khó khăn. Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cần hỗ trợ DN bằng cách tạo điều kiện cho ngân hàng và DN gặp nhau bằng lãi suất giảm và khoanh nợ, bảo lãnh tín dụng để đưa tiền từ ngân hàng vào sản xuất. Chỉ khi DN và ngân hàng “gặp” được nhau mới có hy vọng lấy lại đà tăng trưởng. “Đồng thời, phải tiếp tục giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng để DN có điều kiện giảm chi phí. Phải mở van tín dụng tiêu dùng và xúc tiến thị trường cho hàng Việt Nam ngay khi một số thị trường quốc tế đang có dấu hiệu hồi phục”.
Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cùng với việc giảm lãi suất, việc cần giải quyết hơn, các DN BĐS đang có khoản vay, chưa được xử lý thì nếu như có sản phẩm cung ứng đúng nhu cầu thị trường, ngân hàng nên cho họ những gói vay mới. Vấn đề nợ xấu và những tài sản thế chấp của DN hầu như đã chuyển vào thành tài sản thế chấp của ngân hàng. Ngân hàng định giá số tài sản này và giờ nếu có nguồn vốn mua lại số tài sản này với giá cả hai bên DN và ngân hàng chấp nhận được thì sẽ giải tỏa được cho DN khoản nợ xấu này để có thể tiếp cận khoản vay mới.
Rõ ràng, đến thời điểm này, chính sách kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự thổi được luồng gió mới vào thị trường BĐS. Cách tốt nhất hiện nay, các DN phải tự cứu lấy mình. Vì vậy, việc mua bán dự án, chuyển đổi công năng và rất nhiều chiêu trò mà giới kinh doanh BĐS đang áp dụng xem ra vẫn là cách hữu hiệu để thị trường BĐS cầm cự, hồi phục để đủ sức khỏe tiếp ứng những hỗ trợ vĩ mô từ các cơ quan quản lý.
Bích Quyên