Sau vụ chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký xảy ra trên sông Sài Gòn tối 20-5 tại xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), chúng tôi đã đi thực tế trên tuyến sông này từ cầu Phú Long đến địa phận cảng sông Bà Lụa và phát hiện có nhiều bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động không giấy phép.
Sông Sài Gòn nhiều đoạn rộng 400 - 500m, sâu có chỗ hàng chục mét, thế nhưng nhiều chuyến đò ngang chở khách sang sông không trang bị phao cứu sinh. Có đò khách tại bến Nhị Bình (ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) – An Sơn (xã An Sơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) chở hàng chục hành khách và phương tiện qua sông nhưng chỉ có vài chiếc áo phao treo hai bên đò, không hề có người khách đi đò nào mặc áo phao.
Bến đò này chỉ cách vị trí chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký vài trăm mét và khi nghe chúng tôi hỏi: “Qua sông lớn như vậy mà không mặc áo phao có sợ không?”. Một người đàn ông thản nhiên trả lời: “Ôi, sống chết có số, đi bao nhiêu năm nay có sao đâu (!?)”. Đò vừa ra giữa sông, một cơn gió ào tới đẩy mũi thuyền chao nghiêng qua trái, khiến 2 chiếc xe gắn máy dựng giữa thuyền đổ xuống.
Theo phản xạ, 3 người đàn ông đứng phía mũi nhào tới dựng chiếc xe, làm cho chiếc thuyền lại nghiêng qua bên phải. Một phen hú vía với chúng tôi và rất có thể tình huống trên sẽ dẫn đến lật thuyền ngay giữa sông với sóng to, gió lớn. Và trên đò chỉ có vài chiếc áo phao sẽ không cứu nổi hàng chục con người thoát chết.
Được biết, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đang mở đợt tổng kiểm tra tình hình hoạt động của các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên sông Sài Gòn. Ngoài nội dung kiểm tra trên, cũng cần phải chú ý đến việc kiểm tra cả các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa xem có đăng ký kinh doanh, đăng kiểm kỹ thuật, thuyền viên, lái phương tiện có hợp pháp hay không. Và đặc biệt phải kiên quyết xử lý những chuyến đò ngang không trang bị phao cứu sinh, hoặc có áo phao nhưng chủ đò không nhắc nhở khách mặc vào.
Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên và có những quy định bắt buộc các chuyến đò sang sông nếu không hội đủ các điều kiện về an toàn, dứt khoát không cho rời bến. Có như vậy mới ngăn chặn được những vụ chìm đò đáng tiếc xảy ra, cướp đi sinh mạng của những người vô tội.
HOÀI NAM
Mùa mưa bão với nỗi lo an toàn tàu cá
Với khoảng 150 chiếc tàu cỡ lớn hơn 90 mã lực (CV) và gần 2.000 chiếc từ 25 - 90 CV cùng hàng ngàn chiếc tàu ghe nhỏ không đăng ký, đăng kiểm đang hoạt động trên địa bàn, nỗi lo về an toàn tàu cá, tài sản của người dân mùa mưa bão là cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo thống kê những năm trước, trên ngư trường mà ngư dân TPHCM thường khai thác năm nào cũng phải hứng chịu vài cơn bão với sức gió lên tới hàng trăm km/giờ và những thiệt hại về người, tàu cá năm nào cũng xảy ra. Thực tế, để giảm thiểu tình trạng này không dễ vì số lượng tàu cá rất lớn, địa bàn hoạt động rộng. Đa số ngư dân mong muốn tàu cá của gia đình mình được an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, với gần 30km đường bờ biển, hàng trăm kilômét đường sông cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt thì việc quản lý hết số lượng tàu cá của ngư dân gần như là điều không thể. Chính vì thế mới xảy ra những sự cố đáng tiếc như tàu cá bị chìm, đứt neo, vỡ mạn, hư hỏng boong, máy tàu… khi đã neo đậu.
Thêm nữa, khu vực neo đậu tàu cá và diện tích cảng cá phục vụ cho việc neo tàu của ngư dân hiện cũng còn nhiều bất cập và hạn chế. Người dân lại thường tùy tiện neo tàu ở ven biển, cửa sông hay những nơi thuận tiện với nhu cầu cá nhân để trông coi. Chính vì sơ suất đó mà số lượng tàu cá bị thiệt hại khi mùa mưa bão tăng đáng kể. Và để quản lý hết các tàu cá cũng như khu vực neo đậu để có quy hoạch cụ thể phù hợp cũng chưa được các cấp, ngành địa phương thực hiện đầy đủ. Vậy là cả hai phía ngư dân lẫn chính quyền địa phương đều có những thiếu sót khiến cho tai nạn tàu cá năm nào cũng xảy ra.
Hiện nay, TPHCM cũng có một số nơi neo đậu tàu cá của ngư dân như ở Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh… nhưng hầu như chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của ngư dân. Đó là còn chưa kể hàng ngàn tàu cá nhỏ lẻ có công suất dưới 16 CV nên không cần đăng ký đăng kiểm vẫn hoạt động. Vậy nên làm sao để giải quyết và quy hoạch các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền cho ngư dân nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc mùa mưa bão năm nay vẫn còn là một vấn đề chưa có lời giải thỏa đáng. Và hàng ngàn ngư dân nghèo vẫn tiếp tục lại phải sống trong cảnh lo âu vì mùa mưa bão đã cận kề.
ĐOÀN XÁ (Nguyễn Ảnh Thủ, Q12)