
Việt Nam hy vọng sẽ gia nhập được vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong thời gian ngắn nhất, tức là vào thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng WTO vào tháng 12 năm nay tại Hồng Công, hoặc chậm hơn thì vào khoảng tháng 1 hoặc 2 năm 2006. Chúng ta đang bước vào cuộc chơi bình đẳng với các doanh nghiệp thế giới nhưng khả năng cạnh tranh thì chưa cao.
- Áp lực đang đè nặng
Ngành dệt may xuất khẩu của nhiều nước hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, khi từ 1-1 năm nay Trung Quốc chính thức gia nhập WTO. Bởi khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã được hưởng ưu đãi tối huệ quốc về thuế khi xuất khẩu vào các nước trong tổ chức WTO (với mức thuế chỉ khoảng 5%) trong khi mức thuế cho các nước chưa gia nhập có thể cao cấp 10 lần.

Từ đầu năm 2005, hiệp định hạn ngạch dệt may được bãi bỏ, các nước trong WTO được tự do xuất khẩu trong khi Việt Nam bị hạn chế số lượng đối với từng loại mặt hàng (cat) có nhu cầu lớn tại Mỹ.
Do Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, chủ động được hoàn toàn về nguyên liệu, tự chế tạo thiết bị, hóa chất thuốc nhuộm nên vừa có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, vừa chủ động được thời gian sản xuất và vận chuyển hàng hóa... đã làm ngành dệt may nhiều nước điêu đứng.
Chính ý thức sự cạnh tranh sẽ quyết liệt nên trong ý định phân bổ quota năm 2005, Bộ Trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may liên kết với nhau, tức là các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết với doanh nghiệp lớn để cùng khai thác tốt hạn ngạch và Bộ sẽ chỉ phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp lớn.
Đáng tiếc, ý tưởng rất hay này lại được đưa ra quá muộn, khi chỉ còn một năm nữa là hạn ngạch dệt may vào Mỹ sẽ chấm dứt, sự thay đổi không có sự chuẩn bị trước chỉ làm tình hình thêm lộn xộn.
Không chỉ ngành dệt may, nhiều ngành đang là thế mạnh trong xuất khẩu như nông sản, da giày, đồ gỗ… cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn với hàng hóa của các nước do sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, chi phí cao, chất lượng chưa đồng đều… Còn nhiều ngành sản xuất khác cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng phải đối mặt với dòng thác hàng hóa giá rẻ từ các nước tràn vào Việt Nam.
- Doanh nghiệp vẫn còn chưa ý thức
Gia nhập WTO là một thời cơ để Việt Nam mở rộng thị trường, tạo thế cạnh tranh bình đẳng, nhưng đó cũng là thách thức vì Việt Nam phải chấp nhận thực hiện ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa từ các nước trong WTO. Như vậy, lúc đó thế mạnh sẽ thuộc về những doanh nghiệp đã có sự đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, có mô hình quản lý hoạt động tốt, thực hiện các điều kiện lao động và xã hội theo yêu cầu chung của các nước phát triển.
Các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn quốc tế và các ưu đãi từ Chính phủ đối với doanh nghiệp sẽ không còn… Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ý thức những thách thức và thuận lợi này nên trong thời gian qua đã đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị như ngành dệt may, bia, sữa, thuốc lá, pin ắc-quy, phân bón…
Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện cải tổ lại các doanh nghiệp Nhà nước bằng các biện pháp cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước mà không cần nắm giữ vốn, hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, cương quyết giải thể và cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nặng… Quá trình đàm phán để gia nhập WTO của Việt Nam cũng đã góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận công nghệ mới, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ tài chính …
Luật Doanh nghiệp ra đời tạo điều kiện cho các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế, bằng chứng là số lượng doanh nghiệp ra đời trong 4 năm qua lớn hơn nhiều lần so với cả 10 năm trước đó. Môi trường đầu tư cải thiện cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, với các dự án có vốn đầu tư ngày càng cao, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký ngày càng lớn, trong năm 2005 dự kiến là 3,1 tỷ USD.
Tuy nhiên còn nhiều doanh nghiệp chưa ý thức hết những thách thức khi gia nhập WTO. Qua khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, số doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm khoảng 96%, nhưng trong đó có đến 43% doanh nghiệp hầu như “mù” thông tin về WTO, hoạt động sản xuất chủ yếu hiện nay không có phương hướng chiến lược thị trường, hướng đầu tư phát triển, chuẩn bị nhân lực, ý thức cạnh tranh khi hội nhập. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là khi gia nhập WTO, số doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh sẽ phải chấp nhận phá sản.
VĂN MINH HOA