Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai khám sức khỏe cho tài xế xe khách lẫn xe tải. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giao thông vận tải quan tâm đến chất lượng của lái xe để lập lại trật tự an toàn giao thông. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Sẽ bị rút giấy phép kinh doanh vận tải nếu vi phạm
* Phóng viên: Thưa ông, có rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của người lái xe như ngủ không đủ giấc, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, bị ngộ độc thực phẩm… chứ đâu riêng chuyện sử dụng các chất ma túy như Bộ Giao thông Vận tải đang nhắm tới trong lần khám sức khỏe này? Hơn nữa, theo quy định hiện hành, trước khi được nhận vào làm việc, tài xế phải đi khám sức khỏe, nếu sức khỏe đạt yêu cầu mới được các đơn vị vận tải nhận vào làm việc. Như vậy, ông có nghĩ rằng, lần kiểm tra sức khỏe này “vừa thừa, vừa thiếu”?
* Tiến sĩ KHUẤT VIỆT HÙNG: Đúng là có nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe của người tài xế. Thế nhưng, trước hết Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đến sức khỏe thần kinh vì việc này đã và đang là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiều vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Hút, chích các chất gây nghiện chính là những tác nhân quan trọng của việc này.
Tất nhiên, tiếp ngay sau đây Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp khác nhằm kiểm tra đồng bộ hơn, triệt để hơn sức khỏe của người lái xe khi họ cầm lái. Ví dụ như việc chấp hành quy định, tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ, không được làm việc quá 10 giờ/ngày…
Về nguyên tắc, trước khi nhận tài xế vào làm việc, đơn vị vận tải đã kiểm tra giấy chứng nhận sức khỏe đạt yêu cầu của tài xế. Tuy nhiên, việc kiểm tra ở nhiều đơn vị vận tải chỉ là chiếu lệ, không những thế nhiều đơn vị vận tải còn chẳng quan tâm đến việc tạo điều kiện cũng như theo dõi xem tài xế có chấp hành đúng quy định về thời gian cầm lái nhằm đảm bảo sức khỏe hay không… Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vận tải thường khoán trắng công việc cho tài xế mặc cho tài xế tự xoay xở tất cả.
Đã vậy, đại đa số doanh nghiệp vận tải lại không có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, tài xế làm việc không được ký hợp đồng lao động, không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Các cơ quan quản lý chuyên ngành, các hiệp hội ngành nghề vận tải biết thực trạng này song cũng chưa có động thái can thiệp nhằm bảo vệ người lao động. Làm việc trong bối cảnh ấy, chẳng trách nhiều tài xế không gắn bó, thiếu trách nhiệm khi cầm lái. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo sở giao thông vận tải các địa phương xem xét, xử lý những bất cập này như là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng cầm lái của tài xế.
|
* Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các sở giao thông vận tải xử lý vấn đề này như thế nào? Hành lang pháp luật có cho phép Bộ Giao thông Vận tải “can thiệp” vào những vấn đề như công đoàn, quy trình khám bệnh cho tài xế…?
* Hiện nay, vận dụng các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã có khá đầy đủ thẩm quyền để xử lý các đơn vị vận tải không chấp hành nghiêm các quy định về vận tải.
Đơn cử, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện và việc cấp phù hiệu vận tải cho doanh nghiệp vận tải thuộc trách nhiệm của các sở giao thông vận tải. Các sở giao thông vận tải có thể dùng quy định này như là một công cụ để không cấp phù hiệu cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan đến vận tải.
Hiện nay các sở giao thông vận tải đang tiến hành kiểm tra sức khỏe, tình trạng hút chích xì ke của các tài xế theo các quy định về chuyên môn của Bộ Y tế. Doanh nghiệp nào, tài xế nào không chấp hành quy định này, các sở giao thông vận tải sẽ không cấp phù hiệu vận tải cho phép hoạt động vận tải. Chỉ còn một số loại phương tiện vận tải như xe tải, xe benz chưa có quy định cụ thể về việc cấp phù hiệu vận tải. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét và sớm bổ sung lỗ hổng này.
Ngoài ra, các bộ ngành cũng đang xem xét đề xuất Chính phủ điều chỉnh Nghị định 94 về quản lý kinh doanh vận tải. Dự kiến, trong tháng 4, dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ được trình Chính phủ… Khi được phê duyệt, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, đầy đủ hơn nhằm quản lý tốt hoạt động vận tải. Ví dụ như, trách nhiệm của các đơn vị vận tải đối với chất lượng cầm lái của tài xế sẽ được quy định chặt chẽ hơn. HTX hay Công ty vận tải nếu không quản lý nghiêm tay nghề của tài xế, vi phạm nhiều lần, có thể sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Cần phát huy vai trò của hiệp hội vận tải
* Hiện nay ở khu vực phía Nam, các doanh nghiệp vận tải hoạt động chủ yếu với hình thức HTX. HTX lại “sống” chủ yếu bằng sự đóng góp của các xã viên-chủ xe tham gia vào HTX. Nếu HTX “siết quá” xã viên bỏ đi thì mất nguồn thu. Đó là chưa kể, ban quản lý HTX do xã viên bầu lên, nếu không “lấy lòng” xã viên thì mất phiếu bầu ngay. Nếu bị ngành chức năng rút giấy phép kinh doanh, HTX có thể giải tán và thành lập HTX mới…Ông sẽ xử lý thực trạng này ra sao?
* Theo các quy định của pháp luật, HTX có chức năng quản lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cung cấp dịch vụ vận tải cho các xã viên. Nếu HTX không làm tròn vai trò này thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Các xã viên có thể tập hợp lại và thành lập HTX mới. Thế nhưng, dù HTX mới hay cũ cũng đều phải tuân theo các quy định của pháp luật. Bên cạnh các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý chuyên ngành còn có các hiệp hội vận tải. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trực tiếp làm việc với các hiệp hội và coi đây như là một phương thức khác nữa nhằm quản lý tốt hơn hoạt động vận tải.
* Hiện nay, tại TPHCM có khá nhiều hiệp hội vận tải như xe buýt, xe taxi, xe khách liên tỉnh, xe vận tải hàng hóa… Thế nhưng, dường như vai trò của các hiệp hội này khá mờ nhạt. Nhiều doanh nghiệp vận tải không vào hiệp hội nào vẫn… hoạt động tốt. Liệu các hiệp hội vận tải có thể giúp gì cho công tác quản lý của Bộ Giao thông Vận tải?
* Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo điều kiện cho các hiệp hội vận tải nâng cao vai trò của mình lên. Hiện nay, khi soạn thảo nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đều lấy ý kiến góp ý của các hiệp hội vận tải. Đó cũng là một cách… Tuy nhiên, chính các hiệp hội vận tải phải tự nâng mình lên.
Từ trước đến nay, đa phần các hiệp hội chỉ đại diện cho các đơn vị vận tải khi có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước trong khi đó còn một phần việc rất quan trọng khác chưa làm, đó là vinh danh các doanh nghiệp tốt, tổ chức học hỏi kinh nghiệm quản lý giữa các đơn vị vận tải… Làm tốt tất cả các công tác này, hiệp hội mới thực sự phát huy được vai trò của mình, đồng thời giúp nhà nước lập lại trật tự an toàn giao thông.
* Cảm ơn ông!
NGUYỄN KHOA thực hiện
Không thể không cấp phù hiệu vận tải cho đơn vị vận tải Một cán bộ Sở GTVT TPHCM (xin phép giấu tên) cho biết, phù hiệu vận tải là cấp cho phương tiện vận tải, không phải tài xế. Do vậy, không thể lấy “lỗi” của tài xế mà không cấp phù hiệu vận tải cho xe. Doanh nghiệp vận tải có thể “nại” rằng, “tài xế này vi phạm quy định về sức khỏe thì tôi thay tài xế khác. Chiếc xe đâu có tội gì”… Vấn đề hiện nay là phải ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của chủ xe với chất lượng cầm lái của tài xế. Doanh nghiệp vận tải cố tình sử dụng tài xế có sức khỏe không tốt khi cầm lái hoặc không tạo điều kiện và không kiểm tra xem tài xế có tuân thủ các điều kiện về giữ gìn sức khỏe, phải bị xử lý nghiêm. Thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh nếu vi phạm nhiều lần. TÂM ĐỨC ghi |