Nhiều hiến kế giúp cảng Chân Mây thu hút các hãng tàu

Chiều 24-11, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Công ty cổ phần cảng Chân Mây tổ chức Hội nghị Kết nối hãng tàu - doanh nghiệp có hàng container qua cảng Chân Mây.

Đại diện Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây, bước đầu phát huy, đạt hiệu quả nhất định.

Hội nghị tổ chức ngày 24-11
Hội nghị tổ chức ngày 24-11

Theo đó, đã có 1 hãng tàu quốc tế và 1 hãng tàu nội địa mở tuyến tàu container qua cảng Chân Mây. Đồng thời, cảng này thu hút 65 chuyến tàu vận chuyển container (44 chuyến nội địa và 21 chuyến quốc tế), với sản lượng thông qua 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, có thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế với sản lượng thông qua 28.350 tấn hàng hóa.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Bên cạnh đó, cảng Chân Mây hiện đang đối mặt một số khó khăn như: Một số doanh nghiệp đã quen xuất - nhập hàng container tại Đà Nẵng, nên còn ngại thay đổi, việc thay đổi cảng xuất - nhập khẩu hàng container còn phụ thuộc điều kiện thương mại đã ký kết với đối tác mua/bán ở nước ngoài.

Giữa các doanh nghiệp, hãng tàu và các công ty logistics vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác nhất định để triển khai xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây.

Khó khăn trong thu hút nguồn hàng do suy giảm thương mại toàn cầu cũng như trong nước. Sản lượng hàng hóa của khu vực miền Trung không nhiều, mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Tàu vận chuyển container tại cảng Chân Mây
Tàu vận chuyển container tại cảng Chân Mây

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần duy trì mức hỗ trợ và gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ cho hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây từ 3-5 năm để hãng tàu lập kế hoạch. Song song, sớm hoàn thành giai đoạn 2 dự án Đê chắn sóng, nhằm hạn chế ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, kho bãi, dịch vụ hậu cần để cùng doanh nghiệp khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế…

Đại diện Công ty Scavi Huế cho rằng, cảng Chân Mây cần có chính sách tốt thu hút các hãng tàu nội địa vào khai thác hàng để trở thành cầu nối liên kết trực tiếp với hãng tàu quốc tế, trung chuyển container xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn lẫn các địa phương lân cận đi từ cảng Chân Mây sang container tàu quốc tế tại cảng Cái Mép, Hải Phòng… trước khi sang nước ngoài.

Ngoài ra, cần thống kê và lựa chọn một tuyến vận chuyển quốc tế mà các doanh nghiệp trên địa bàn, địa phương lân cận có nhu cầu nhiều nhất để làm việc với một số hãng tàu quốc tế tiềm năng; khai thác và chạy thử nghiệm một chuyến tàu quốc tế từ cảng Chân Mây để đánh giá thực tế hiệu quả hoạt động, từ đó có giải pháp ngắn và dài hạn nhằm kịp thời làm việc với hãng tàu, doanh nghiệp.

Cần hình thành một trung tâm Logistics cung cấp các dịch vụ hậu cần cho các doanh nghiệp. Đơn cử, cho thuê container hoặc kho với chất lượng dịch vụ và chi phí tối ưu, kết nối hải quan và cơ quan chức năng cung cấp các dịch vụ thông quan đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Có giải pháp để thời gian vận chuyển (leadtime) bằng hoặc chênh lệch không quá nhiều trong giai đoạn đầu (trên 2 ngày) so với các cảng nước sâu trong vùng hiện nay. Cần xem xét, đánh giá lại chính sách mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành năm 2022 để hỗ trợ hãng tàu và doanh nghiệp còn hợp lý hay không, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp…

Tương tự, đại điện Công ty PNK Huế thuộc Tập đoàn Phenikaa cho rằng, cần đẩy nhanh hàng xuất khẩu đi qua cảng Chân Mây hoặc có tàu trung chuyển đến cảng lớn để xuất khẩu…

Tàu vận chuyển container bốc xếp tại cảng Chân Mây

Tàu vận chuyển container bốc xếp tại cảng Chân Mây

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, thông qua hội nghị lần này, tỉnh cam kết thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp, với phương châm “luôn hướng đến và lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, tự chủ của tỉnh”.

Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và doanh nghiệp có hoạt động xuất - nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, năm 2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Theo đó, hãng tàu biển, đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng. Mức hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến cập cảng. Đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi, đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh). Mức hỗ trợ đối với container 20 feet: 800.000 đồng/container. Đối với container 40 feet: 1.100.000 đồng/container.

Tin cùng chuyên mục