Nhiều hoạt động thân thiện môi trường thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam đang được các cấp, ngành chú trọng triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh một số yếu tố kinh tế vĩ mô như xuất nhập khẩu, đầu tư còn nhiều khó khăn.

Chủ động kết nối cung - cầu

Trong những tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại khu vực 20 tỉnh, thành phía Nam được ghi nhận ở mức cao so với cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị ngành công thương 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức mới đây cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 2.045 ngàn tỷ đồng, tăng 14,05% so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước tăng 10%). Báo cáo cũng cho thấy, có 19/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước như: Bình Thuận (tăng 31,22%), Sóc Trăng (tăng 31,54%), Trà Vinh (tăng 22,98%), Bình Phước (tăng 21,07%)...

Thúc đẩy đưa hàng vào siêu thị là hướng mà các địa phương đang triển khai
Thúc đẩy đưa hàng vào siêu thị là hướng mà các địa phương đang triển khai

Bộ Công thương đánh giá, trong bối cảnh thị trường chung còn khó khăn, song thị trường khu vực phía Nam vẫn sôi động, phát triển ổn định; hàng hóa phong phú, đa dạng, cung - cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo; quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng ngày được quan tâm.

Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường, gắn kết với các mục tiêu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được nhân rộng, đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo đòn bẩy quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong khu vực, đồng thời củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước…

Để có những kết quả trên, Sở Công thương các tỉnh, thành cho biết đã thường xuyên tổ chức nhiều đoàn kết nối giao thương cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đi khảo sát, nghiên cứu thị trường; kết nối các sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn, hệ thống siêu thị trong cả nước; tổ chức và tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu giới thiệu sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa như: chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng ĐBSCL với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại TPHCM.

Bên cạnh đó, Sở Công thương các tỉnh, thành phố còn tổ chức liên kết, cung ứng hàng hóa của tỉnh mình với các nhà phân phối lớn ở các địa phương khác, đặc biệt là đưa hàng hóa, sản phẩm địa phương vào hệ thống siêu thị Co.opmart, cửa hàng Bách hóa Xanh, Mega Market, siêu thị GO!... Sở Công thương các tỉnh, thành phố cũng tích cực phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều phiên chợ, chuyến hàng lưu động về vùng nông thôn và khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và công nhân.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được xem là nhiệm vụ thường niên và được tổ chức hiệu quả, góp phần nâng cao sự tin dùng của người dân đối với hàng Việt, thay đổi ý thức tiêu dùng trong cộng đồng, từng bước loại bỏ hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường; từ đó giúp các DN Việt cải tiến chất lượng sản phẩm và khai thác tốt hơn thị trường nội địa.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” như: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM,Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Triển khai nhiều giải pháp tích cực

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, song theo Bộ Công thương, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra thách thức lớn cho hàng hóa trong nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng. Đó là chưa kể việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa rớt giá vẫn xảy ra; vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến phát triển chưa theo quy hoạch; sự hợp tác, gắn kết giữa nông dân sản xuất, DN và cơ sở chế biến chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế ràng buộc.

Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường hàng hóa tiêu dùng, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh của DN, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ DN, nổi bật là tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2023 từ ngày 21 đến 24-12 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ; tiếp tục vận động DN tham gia vào chương trình khuyến mãi tập trung cuối năm để kích cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, DN tham gia sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, đưa các sản phẩm của địa phương lên sàn thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ Ecdn.vn. Song song đó là tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung - cầu tại các vùng, thị trường trọng điểm cho DN của tỉnh tham gia nhằm giới thiệu sản phẩm, kết nối với nhà cung cấp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…

Cùng với đó, việc tổ chức và tham gia hội chợ cũng được các địa phương chú trọng. Điển hình như từ ngày 5-10 đến 11-10, Sở Công thương 20 tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Hậu Giang. Tại đây, các địa phương đã đem đến những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu như hạt điều chế biến (Bình Phước), sữa hạt các loại (TPHCM), bánh tráng (Tây Ninh), nho khô (Ninh Thuận), các sản phẩm chế biến từ dừa (Bến Tre), tôm khô (Kiên Giang)… nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, tổ chức hội chợ là cơ hội để các địa phương tăng cường liên kết tỉnh, liên kết vùng; góp phần thúc đẩy công nghiệp, thương mại và du lịch bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục