Ngành mía đường trước ngưỡng WTO

Nhiều lợi thế, nếu biết khai thác

ĐÔNG NGHI
Nhiều lợi thế, nếu biết khai thác

Khi đề cập đến vấn đề hội nhập, nhiều người lo ngại ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những thuận lợi mà WTO mang lại. Trong từng lĩnh vực cụ thể lại có những khó khăn và lợi thế khác nhau. Ngành mía đường thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ phải có một số biện pháp để sắp xếp lại ngành này, nên liên tiếp 2 vụ chế biến vừa qua đã khởi sắc. Nhưng theo những người trong cuộc, gia nhập WTO, mía đường lại là ngành xem ra có khá nhiều lợi thế…

Nhiều tiềm năng

Nhiều lợi thế, nếu biết khai thác ảnh 1
Chuẩn bị mùa chế biến mới, Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh duy tu, sửa chữa lại thiết bị nhà máy.

Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, “Khi vào WTO ngành đường Việt Nam có lợi thế khá lớn xét về nhiều mặt. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều ánh sáng, nên mía là cây trồng hoàn toàn phù hợp và phát triển tốt để có thể cho năng suất sinh học cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Các nước phát triển như khối EU đang tiếp tục tài trợ cho người nông dân của họ đến năm 2017 với mức 499 Euro, tương đương 532 USD/ tấn đường. Một số nước xung quanh khu vực, như Thái Lan, chính phủ vẫn đang bảo hộ cho nông dân trồng mía.

Trong lúc đó, ngành mía đường trong nước hầu như không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp nào của Chính phủ thông qua giá. Như vậy, nếu xét về lĩnh vực này, ngành mía đường trong nước đã có những thuận lợi cơ bản”.

Sản lượng mía thu hoạch hiện nay của cả nước khoảng 16 triệu tấn/năm, chỉ cần cải tiến công nghệ của các nhà máy chế biến sẽ có thể đạt được 1,5-1,7 triệu tấn đường, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Và với diện tích mía dao động 300.000 - 320.000 ha như hiện có, nếu nâng năng suất bình quân mỗi ha lên 70 tấn (thay vì khoảng 50 tấn/ha) và áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng chữ đường lên 10 -12 ccs, là đã có thể chế biến được khoảng 2,2 - 2,5 triệu tấn đường/năm. Như thế, chưa cần yêu cầu Nhà nước quy hoạch thêm diện tích trồng mía, bản thân ngành mía đường đã có thể nâng cao lượng đường chế biến.

Xây dựng lại bản đồ ngành mía đường

Nhưng những lợi thế này chỉ mới là tiềm năng, trong khi bản thân ngành mía đường còn rất nhiều hạn chế cần phải được tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại. Vì vậy, trước hết Nhà nước cần sớm phê duyệt tổng quan chiến lược phát triển ngành mía đường, trong đó, ngoài sản phẩm là đường, cần bổ sung thêm 2 mặt hàng mới là cồn nhiên liệu và điện. Việc quy hoạch và xây dựng lại vùng mía phải nhìn thấy cho được triển vọng của 10-20 năm tới. Và cần đưa mía xuống vùng thấp thay vì ngược lại.

Hiện nay việc đưa mía xuống ruộng có nước tưới, chỉ trong 7 tháng năng suất đạt 120 tấn/ha là điều bất ngờ thú vị, tạo nên bước ngoặt mới mà một số nhà máy đang áp dụng như Công ty Mía Đường Bourbon Tây Ninh. Năng suất cao sẽ giúp nâng cao thu nhập của nông dân lên 50-70 triệu đồng/ha/năm (hiện nay 15-20 triệu đồng/ha/năm). Có như vậy nghề trồng mía mới phát triển bền vững, không sợ bị cây khác cạnh tranh và nông dân bỏ mía.

Trước tình trạng khan hiếm nhiên liệu, đã có nhà đầu tư nước ngoài đến ký hợp đồng sản xuất 200 - 300 triệu tấn cồn nhiên liệu/năm hoặc vào hợp tác xây dựng nhà máy và nhập khẩu nguyên liệu (bo bo, ngô…) để chế biến.

Trong khi đó, với lượng mật rỉ có được từ 20-22 triệu tấn mía chế biến của các nhà máy đã có thể sản xuất 250.000 tấn nhiên liệu sạch (pha chế khoảng 1 triệu tấn xăng), góp phần giải quyết nhu cầu thiếu nhiên liệu. Và cũng với ngần ấy lượng mía sau khi chế biến, còn lại bã mía cũng có thể đủ cung cấp cho nhà máy điện công suất 300 Megawatt sản xuất. Đó là cơ hội và cũng là lợi thế cần nắm bắt và khai thác trong thời gian tới.

Liên kết sản xuất và chế biến

Nếu tiếp tục sản xuất, chế biến nhỏ lẻ như hiện nay sẽ không thể phát huy hết những lợi thế. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần giúp nông dân tổ chức lại việc trồng mía. Tích tụ và tập trung đất, hình thành những cánh đồng mía rộng lớn để có điều kiện thâm canh, tăng năng suất. Trong đó, thay đổi giống mới là ưu tiên hàng đầu để có thể phát triển lợi thế về thời tiết. Nhưng cần phải có quy chế về sử dụng giống mới, 3 năm thay một lần, nếu kéo dài việc sử dụng giống cũ sẽ gây trở ngại trong sản xuất.

Hiện nay, một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng “cũ người mới ta”, như khi ta xem mía Quế Đường 11 là giống mới, thì ở các nước đã bỏ từ năm 1994. Nhà nước hỗ trợ nông dân trồng mía năng suất cao thông qua việc đầu tư phần hạ tầng, như: hệ thống thủy lợi, tăng thêm kinh phí khuyến nông, dạy nghề cho nông dân. Đây là những điều trong khuôn khổ WTO cho phép. Vấn đề cơ giới hóa là điều không thể xem nhẹ, nhất là trong bối cảnh lao động thu hoạch ngày càng khan hiếm.

Các nhà máy đường cũng cần phải được tổ chức lại, liên kết thành tập đoàn mía đường, không thể hoạt động riêng rẽ như hiện nay. Trước mắt có thể hình thành tập đoàn cho từng khu vực Tây Nguyên, Nam bộ, miền Trung… để tổ chức việc thu mua mía, vận chuyển và điều phối từng nhà máy, không gây ra tình trạng cạnh tranh, nâng giá mua mía như hiện nay, từ đó việc chế biến sẽ hiệu quả hơn. Và việc tổ chức đưa đường ra thị trường trong nước một cách đều đặn theo từng thời điểm, không để tình trạng ém hàng hoặc xuất bán đường ra ồ ạt, tạo bất ổn thị trường.

Các nhà máy đường có thể vừa chế biến, vừa làm thương mại và cả xuất nhập khẩu. Đó là những khả năng mà ngành mía đường trong nước có thể khai thác. Nếu không tổ chức lại sản xuất và chế biến, các nhà máy nhỏ lẻ sẽ bị cạnh tranh gay gắt, dẫn đến phá sản.

ĐÔNG NGHI

 

Tin cùng chuyên mục