LTS: Tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp, đến nay đã có nhiều tỉnh, thành công bố dịch. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan với dịch cúm. Báo SGGP nhận được các ý kiến về hiểm họa này.
Nâng cao ý thức phòng dịch
Tại TPHCM, việc buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch vẫn diễn ra hàng ngày tại nhiều chợ. Theo thống kê từ Chi cục Thú y TPHCM, hiện nay toàn TP có 150 điểm bán gia cầm sống không có giấy phép. Nhưng thực tế số lượng điểm bán gia cầm lậu cao hơn gấp nhiều lần, bởi tại các chợ tự phát bên đường ở các huyện ngoại thành và quận ven có rất nhiều điểm bán gia cầm nhỏ lẻ, chưa thể kiểm soát được.
Hoạt động buôn bán gia cầm số lượng lớn chủ yếu diễn ra tại vùng ven, với nhiều “điểm nóng” như tuyến quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), khu vực cầu Trường Đai (quận Gò Vấp), chợ Cầu và cầu Tham Lương (quận 12), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)... Các gia cầm thu mua chưa qua kiểm dịch được vận chuyển dễ dàng vào nội thành.
Tại khu vực ngã tư 4 xã (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) có rất nhiều điểm bán gia cầm lậu, giết mổ tại chỗ bên lề đường. Tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đường Dương Công Khi (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), gà vịt chưa qua kiểm dịch cũng được bày bán công khai.
Hiện nay, tại 4 cửa ngõ của TPHCM có trạm kiểm dịch động vật, tuy nhiên số lượng “lọt lưới” vẫn nhiều hơn số được kiểm dịch. Mặc dù cơ quan chức năng hoạt động khá tích cực, nhưng do những điểm bán, giết mổ gia cầm lậu liên tục thay đổi vị trí nên công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc như “bắt cóc bỏ dĩa”, khi lực lượng kiểm tra vừa đi khuất thì gia cầm chưa kiểm dịch lại được bày bán trở lại tại các chợ tự phát ngay bên lề đường.
Cúm gia cầm đang diễn ra trên diện rộng, cơ chế lây truyền sang người vẫn chưa rõ, nguy cơ xuất hiện dịch cúm gia cầm trên người rất cao, thế nhưng ý thức phòng dịch của người dân còn rất hạn chế. Do vậy, cần tích cực tuyên truyền để mọi người cùng có ý thức phòng ngừa, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, không vận chuyển và giết mổ gia cầm mắc bệnh.
ĐỖ THÔNG (phường 26, Bình Thạnh, TPHCM)
Chú trọng công tác giám sát, báo cáo
Dịch cúm gia cầm đã lan ra nhiều tỉnh thành, thế nhưng hiểu biết của nhiều người về bệnh dịch cũng như cách phòng tránh còn hạn chế. Thực tế hệ thống giám sát, báo cáo dịch bệnh còn chậm trễ. Có địa phương ghi nhận trường hợp mắc nhưng xã chậm báo lên huyện và tỉnh, thế nên việc khống chế dịch gặp nhiều khó khăn.
Chuyện khó nhất là làm thế nào để người dân tự giác khai báo đến cơ quan chức năng khi nhà có gia cầm, thủy cầm bệnh chết. Cần có sự phối hợp giữa chính quyền, ngành y tế và người dân mới hy vọng giảm được dịch bệnh. Nên quy định rõ để công bố dịch ở từng địa phương và trong cả nước vào thời điểm nào phù hợp và kịp thời, vì đó là việc cần thiết và cấp bách để hạn chế mức thiệt hại nếu dịch bùng phát trên diện rộng.
Ngay từ bây giờ cũng nên có phương án chuẩn bị cho các bệnh viện nếu xảy ra tình huống quá tải khi tiếp nhận thêm bệnh nhân phải điều trị cách ly.
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người, nên hướng dẫn rõ cho mọi người cẩn trọng, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, chỉ mua gia cầm đã được kiểm dịch, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, tuân thủ việc ăn chín uống sôi.
Trên thực tế việc thay đổi hành vi, thói quen này lại vô cùng khó khăn. Đến phụ nữ mang thai mà còn quá chủ quan khi ăn thịt gia cầm chết bệnh, dẫn tới tử vong như trường hợp ở Sóc Trăng vừa qua, cho thấy người dân vẫn còn rất chủ quan với dịch cúm.
HUỲNH ĐẮC NHẤT
(phường 9, quận 5, TPHCM)