Cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực

Nhiều tính vượt trội trong xây dựng

Nhiều tính vượt trội trong xây dựng

Rất tâm huyết với việc phổ biến và ứng dụng công nghệ mới trong ngành xây dựng, cách đây không lâu kỹ sư Phan Phùng Sanh (Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM) có bài viết trên báo SGGP về công nghệ xây nhà cao tầng, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Nay, xin giới thiệu bài viết của ông đề cập đến công nghệ mới xây bờ kè sông ngòi, lấn biển...

  • Phù hợp địa chất yếu

Nhiều tính vượt trội trong xây dựng ảnh 1

Một đoạn sông ứng dụng công nghệ cọc ván bê tông cốt thép ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Trong quá trình xây dựng, ngày càng có nhiều dạng nhu cầu mới như nạo vét định kỳ sông hồ, kênh rạch, xây bờ kè để chống sạt lở, chỉnh trang đô thị, lấn biển tạo nên những khu đô thị mới như thị xã Rạch Giá, Hà Tiên.

Những tỉnh, thành gần biển thì có nhu cầu giữ lại nước ngọt, ngăn mặn xâm nhập, ngăn triều cường làm ngập các khu dân cư… cần phải xây dựng hệ thống đê và đập với các cửa cống hai chiều để đóng– mở khi cần thiết, kết hợp với một số trạm bơm dự phòng để bơm nước ra vào những lúc mưa to và triều cường dâng cao.

Với công nghệ truyền thống, khi xây dựng các công trình bến cảng, đê, đập, bờ kè… người ta dùng nhiều loại kết cấu khác nhau như tường cừ gỗ, tường cừ thép, tường cừ bê tông cốt thép (BTCT), tường cừ hỗn hợp, bờ kè bằng đá hộc… tất cả đều có hiệu quả, song tuổi thọ và giá thành có khác nhau. Gỗ thì chịu lực kém và dễ bị mục; thép và BTCT bị nước mặn, nước phèn ăn mòn làm bê tông bị nứt, vỡ; kè đá hộc thì trọng lượng nặng nên khá tốn kém cho việc làm móng lại dễ bị sụt, xuống cấp…

Cách đây khoảng 50 năm, Tập đoàn PS Nhật Bản đã phát minh ra loại “cọc ván BTCT dự ứng lực” với kiểu dáng hình học dạng sóng của mặt cắt tiết diện và đã được xây dựng thử nghiệm rất có hiệu quả ở đất nước hoa anh đào.

Khoảng 8 năm trước, tại nước ta, các chuyên gia Nhật Bản đã ứng dụng công nghệ này làm kênh dẫn nước vào nhà máy điện Phú Mỹ 1 với chiều dài trên 1.000m, chiều rộng 45m, chiều sâu 8,7m. Hiện nay kênh này vẫn bền vững và Nhật đã chuyển giao công nghệ này cho ta.

  • Nhiều ưu điểm

Công nghệ cọc ván BTCT dự ứng lực có nhiều tính năng vượt trội như cường độ chịu lực cao nhờ tiết diện dạng sóng và đặc tính dự ứng lực làm tăng độ cứng, khả năng chịu lực của ván. Do sản xuất tại công xưởng theo quy trình công nghệ tiên tiến của Nhật Bản nên chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, năng suất cao, chủng loại sản phẩm đa dạng, đáp ứng theo nhiều dạng địa hình và địa chất khác nhau...

Tuổi thọ công trình cũng được nâng cao lên, bởi cọc ván BTCT dự ứng lực được sản xuất từ những vật liệu có cường độ cao, khả năng chịu lực tốt nên giảm được rất nhiều trọng lượng vật tư cho công trình, dễ thay thế cọc mới khi những cọc cũ gặp sự cố. Hơn nữa, cũng nhờ thép được chống gỉ, chống ăn mòn, không bị oxy hóa trong môi trường nước mặn cũng như nước phèn, chống được thẩm thấu nhờ sử dụng bằng vật liệu Vinyl cloride khá bền vững.

Ngoài ra, giá thành công nghệ này dễ chấp nhận so với công nghệ truyền thống, thi công dễ dàng và chính xác, không cần mặt bằng rộng, chỉ cần xà lan và cẩu, vừa chuyên chở cấu kiện vừa ép cọc là có thể thi công được. Một ưu điểm nữa là trong xây dựng nhà cao tầng dùng móng cọc ép ở các thành phố, có thể dùng cọc ván BTCT dự ứng lực ép làm tường chắn chung quanh móng, để khi ép cọc, đất không bị dồn về những phía có thể gây hư hại những công trình kế cận làm nứt tường, sập đổ…

Có một tín hiệu vui đối với công nghệ mới này. Tại cuộc hội thảo tháng 2-2006 do Liên hiệp Các hội khoa học-kỹ thuật TPHCM và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tổ chức, ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển công nghệ (thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết, trung tâm đã khảo sát, thiết kế và đang tiến hành thi công trên 80 công trình ở các tỉnh phía Nam, được lãnh đạo các địa phương đồng tình và ủng hộ.

Một số ý kiến cho rằng đây là chương trình ứng dụng công nghệ mới, có nhiều tính vượt trội trong xây dựng. Hiện nay, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang tiến hành giải tỏa, nạo vét và chỉnh trang nhiều kênh rạch. Thiết nghĩ, các nhà quản lý, các chủ đầu tư, các chuyên gia xây dựng… cần đi sâu xem xét một cách nghiêm túc về khả năng và phạm vi ứng dụng công nghệ cọc ván BTCT dự ứng lực để thực hiện các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị đạt chất lượng và hiệu quả hơn.

KS PHAN PHÙNG SANH
 

Tin cùng chuyên mục