Bộ GD-ĐT giải trình 7 vấn đề “nóng” của Đại biểu Quốc hội

Nhiều tổ chức có thể tham gia xuất bản, in, phát hành SGK

Ngày 23-11, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong quá trình thảo luận về kinh tế – xã hội – ngân sách tại kỳ họp thứ 10.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT đã đề cập 7 vấn đề của ngành giáo dục đang “nóng” nhất hiện nay và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, đó là: căn bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử; nạn sử dụng bằng giả tràn lan; việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa; vấn đề biên soạn, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa; cung ứng thiết bị dạy học; vấn đề quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo và việc làm cho sinh viên.

Về quy trình biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ ra nhược điểm: “Vì chỉ triển khai một bộ sách nên chưa có nhiều nhóm tác giả khác nhau được cùng tham gia biên soạn; việc tổ chức biên soạn như hiện nay chưa thực sự khuyến khích các tác giả sáng tạo và cạnh tranh; đội ngũ tác giả chậm được trẻ hóa, số tác giả SGK là giáo viên trực tiếp đứng lớp còn ít”. Bộ GD-ĐT đã tổ chức soạn thảo Quy định về quy trình biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK; tuy nhiên, đến nay Dự thảo còn một số vấn đề cần nghiên cứu nên chưa được ban hành (như việc đảm bảo chất lượng SGK, cung ứng sách cho các vùng khó khăn…).

Tuy nhiên, theo dự kiến, những SGK đã biên soạn và đang triển khai thí điểm thì Bộ GD-ĐT tiếp tục chủ trì thực hiện để hoàn thiện; việc xuất bản, in, phát hành SGK sẽ mở rộng để các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cùng tham gia. Khi được Quốc hội, Chính phủ cho phép, có thể tổ chức biên soạn, in, phát hành nhiều bộ SGK theo chương trình đã được ban hành.

Liên quan đến vấn đề sử dụng bằng giả, Bộ GD-ĐT cho biết: Từ năm 2005 đến nay, ngành giáo dục đã xử lý buộc thôi việc 10 trường hợp đối với 48 Sở GD-ĐT; thu hồi bằng tốt nghiệp, buộc thôi việc 17 trường hợp; buộc thôi học 16 trường hợp của các trường CĐ, TCCN. Bộ GD-ĐT khẳng định: những trường hợp văn bằng chứng chỉ bất hợp pháp được phát hiện đều do người sử dụng tẩy sửa hoặc làm giả, bộ chưa phát hiện được trường hợp nào cấp trái quy định.  

V.L.