Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý Văn kiện Đại hội XII của Đảng

HỒNG HIỆP - HOÀI NAM - ÁI CHÂN
Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý Văn kiện Đại hội XII của Đảng

Chiều 14-10, các đại biểu (ĐB) chia thành 20 tổ thảo luận các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các ĐB nhất trí cao với nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đồng thời góp ý thêm một số ý kiến trên tất cả các lĩnh vực để văn kiện khi trình đại hội sẽ hoàn chỉnh hơn.

Cụ thể: chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn và có tính kế thừa; cải cách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động; nâng cao hiệu quả phối hợp để có thể phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo an ninh quốc gia, xây dựng các công trình, dự án kinh tế - xã hội phải tính đến yếu tố an ninh; cần sớm hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, nhất là đối với đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM nhằm tăng tính tự chủ, phát huy nguồn lực của đại phương trong việc giải quyết những vấn đề thiết thực của người dân; khi nhận định về kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên có đánh giá riêng phần cán bộ lãnh đạo hưởng ứng cuộc vận động này; cần có chỉ tiêu về chống thất thoát nước đi kèm với chỉ tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh…

Các đại biểu phát biểu tại thảo luận tổ  Ảnh: VIỆT DŨNG

Góp ý trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, ĐB Nguyễn Hoàng Tuấn (Trưởng Công an quận Tân Phú) đề nghị việc đầu tư cho an ninh - quốc phòng phải đáp ứng nhu cầu sẵn sàng chiến đấu nếu chiến tranh xảy ra. Nhận xét về chiến lược cải cách tư pháp, ĐB Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng hiện nay cải cách tư pháp chưa đồng bộ về nguồn lực, trí lực, vật lực. Ông nêu cụ thể: Do cơ chế đòi hỏi khó khăn nên hiện nay đang thiếu trầm trọng điều tra viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu chiến đấu. Ngoài ra, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật cần được nâng cao hơn, bởi thực tế hiện nay có những quy định thiếu thông tư hướng dẫn, sau khi ban hành khó áp dụng, không phù hợp thực tế. “Những quy định dễ cho người thực thi, tùy nghi cho người áp dụng sẽ dẫn đến pháp luật không nghiêm, quản lý xã hội yếu kém”, ĐB Nguyễn Hoàng Tuấn nói.

“Trong dự thảo báo cáo chính trị, tôi đề nghị bổ sung không hình sự hóa mối quan hệ hành chính”, ĐB Trần Văn Bảy (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM) nêu ý kiến. Theo ông, ranh giới giữa hành chính và hình sự mong manh, có những trường hợp thực chất chỉ là quan hệ hành chính nhưng khi thanh tra vào cuộc thì yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Điều này làm cho đội ngũ công chức “thủ thế”, đẩy cái khó cho người dân. Về nội dung phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh) cho rằng, những nguyên nhân hạn chế chưa được dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá sâu, cụ thể. Ông đề xuất giải pháp là trung ương cần quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể; luân chuyển, điều động cán bộ từ chính quyền sang mặt trận và ngược lại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

HỒNG HIỆP - HOÀI NAM - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục