Báo SGGP ngày 2-12 đã có loạt bài về ghi nhận ý kiến nhiều chiều của bạn đọc xoay quanh hiện tượng tung lên mạng các clip mô tả cảnh học sinh đánh nhau, lột áo,… xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm nạn nhân đang gây bức xúc trong dư luận. Về việc này, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến chia sẻ dưới góc độ pháp lý của Luật sư Phan Đức Linh.
1. Việc cả nhóm 2 - 3 em cùng đánh 1 bạn và sau đó còn bắt bạn tự lột quần áo để quay phim thì pháp luật xử lý như thế nào?
>> LS PHAN ĐỨC LINH: Trong thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh vụ việc một nhóm học sinh cấp 2-3 giải quyết mâu thuẫn cá nhân với nhau bằng hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và lột trang phục (hoặc yêu cầu người bị hại phải tự lột trang phục), sau đó dùng điện thoại di động quay lại diễn biến của sự việc và đưa lên mạng, phát tán trên cộng đồng mạng ngày càng nhiều và được xem như là một trào lưu của giới trẻ, gây không ít sự quan tâm, lo lắng và bức xúc của dư luận xã hội về vấn đề trách nhiệm giáo dục, đạo đức, chuẩn mực ứng xử của giới trẻ hiện nay.
Về góc độ pháp lý, hành vi của một nhóm học sinh cùng dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe cho người bị hại mà thuộc các trường hợp quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) thì có thể xem xét xử lý về trách nhiệm hình sự. Hành vi cởi trang phục hoặc dùng vũ lực đe dọa buộc người bị hại cởi trang phục để cho người khác trong nhóm dùng máy điện thoại quay lại diễn biến, sau đó phát tán lên mạng có thể xem xét về hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác được quy định tại điều 121 BLHS về tội làm nhục người khác.
Tuy nhiên, do những sự việc diễn ra được thực hiện bởi những chủ thể là người chưa thành niên, khi xử lý phải xem xét về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với loại tội phạm được quy định trong BLHS; mục đích xử lý nhằm hướng đến tính răn đe, giáo dục; điểm lưu ý là phải xác định được ý thức của người thực hiện hành vi vi phạm có nhằm mục đích cố ý xâm phạm một cách nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn mình hay không? Yếu tố xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thực tiễn xử lý cũng phải thận trọng xem xét; dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức độ nào. Đặc biệt, những hành vi nêu trên theo quy định tại điều 105 BLHS thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xem xét khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.
2. Hành vi tung clip đánh nhau lên mạng và phát tán ra cộng đồng có bị xử lý theo pháp luật hay không? (Người tung clip lên mạng là thành viên của nhóm hành hung bạn; người tung lên mạng hoặc phát tán ra cộng đồng là người đứng xem nhưng không can thiệp mà còn quay phim lại).
>> Liên quan đến thái độ, hành vi ứng xử thụ động của những người liên quan có mặt trong nhóm bạn đánh nhau, thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có nhiều ý kiến đánh giá, cảnh báo, phân tích cả về phương diện tâm lý học lẫn xã hội học, đây là vấn đề đáng được lưu tâm đặt ra cho gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc thức giáo dục con cái, hướng hành vi của người chưa thành niên đến hành vi ứng xử có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.
Về góc độ pháp lý, hành vi phát tán clip được quay bằng máy điện thoại di động có chứa đựng nội dung, hình ảnh của người bị hại trong tình trạng bị bạn bè dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực tác động đến thân thể, hình ảnh người bị hại trong trạng thái không mặc trang phục, có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để xem xét hành vi này có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay không, cần phải xem xét một cách toàn diện diễn biến của sự việc, đặc biệt là ý thức chủ quan của người quay clip và mục đích của việc phát tán, ý thức có hướng đến mục đích làm nhục người khác hay không, từ đó mới có căn cứ xem xét xử lý một cách phù hợp với quy định của pháp luật.
Thùy Dương thực hiện
Thông tin liên quan:
>> Hành xử có văn hóa và trách nhiệm xã hội