Nhìn lại 1 năm gia nhập WTO:Thời cơ của Việt Nam là được cả thế giới chú ý

Nhìn lại 1 năm gia nhập WTO:Thời cơ của Việt Nam là được cả thế giới chú ý
Nhìn lại 1 năm gia nhập WTO:Thời cơ của Việt Nam là được cả thế giới chú ý ảnh 1

Cách đây đúng 1 năm, ngày 7-11-2006, Việt Nam chính thức được kết nạp vào WTO. Nhìn lại quãng đường này, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự (ảnh), Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam (hiện là cố vấn cao cấp về Chương trình WTO của Chính phủ) nhấn mạnh: Chưa bao giờ cả thế giới chú ý đến Việt Nam về mặt làm ăn kinh tế như bây giờ.

- Phóng viên:
Thưa ông, sau một năm gia nhập WTO, Việt Nam đã tận dụng cơ hội vào WTO chưa?

- Ông LƯƠNG VĂN TỰ
: Tôi nghĩ Việt Nam đã tận dụng được. Tận dụng được mấy cái, thứ nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, mức độ hiểu biết về WTO của người dân và doanh nghiệp đã khá lên nhiều. Thứ hai là mình tranh thủ tốt đầu tư nước ngoài. Chưa bao giờ cả thế giới chú ý đến Việt Nam về mặt làm ăn kinh tế như bây giờ. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ…, nhất là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Xuất khẩu cũng tăng, trong việc đó có dệt may chịu sự giám sát vào Mỹ nhưng đó là hành động đơn phương và vừa rồi họ đánh giá là ta không bán phá giá và không tiến hành điều tra. Cái đó là tốt. Các nước khác như EU, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ đều bỏ hạn ngạch hết. Cái đó là cái thuận lợi. Một vấn đề nữa là chúùng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính. Hiện giờ đã có hệ thống pháp luật mới, chúng ta phải tổ chức triển khai thực hiện cái đó…

- Khi Việt Nam kết thúc đàm phán, các đối tác đánh giá thế nào về quá trình đàm phán của Việt Nam?

- Các đối tác đánh giá cao về về quá trình đàm phán của Việt Nam, nhất là quá trình cải cách pháp luật của Việt Nam đã cho thấy quyết tâm gia nhập WTO của Việt Nam là rất cao. Đến ngày kết nạp, trong số 26 luật và pháp lệnh thì chúng ta đã hoàn tất cơ bản. Các đối tác cũng đánh giá cao thái độ kiên trì, mềm dẻo của Việt Nam trong đàm phán. Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên là lúc mới nhận nhiệm vụ đàm phán. Lúc đó, những người đàn phám cũ hầu như đã chuyển công tác.

Việt Nam vẫn chưa có bản chào và mới trả lời được 1.000 trong tổng số 3.316 câu hỏi, nhận công tác đàm phán mà không biết đến bao giờ kết thúc. Đó là năm 2000. Lúc đó có người nói, Trung Quốc mất 15 năm, Việt Nam phải 13 - 14 năm hay lâu hơn. Điều thứ 2 đáng nhớ là sự căng thẳng trong đàm phán với Mỹ, căng thẳng đến mức mọi người bỏ về hết và có nguy cơ đổ vỡ đàm phán với Mỹ. Nếu khi đó đổ vỡ đàm phán với Mỹ thì đàm phán sẽ kéo dài và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Làm việc thì có sự căng thẳng giữa hai bên nhưng tôi là Trưởng đoàn đàm phán, có trách nhiệm giữ được các kênh đàm phán. Tôi đã ngồi lại giải thích về sự hiểu nhầm lẫn nhau và yêu cầu họ quay trở lại bàn đàm phán. Khi đàm phán, một mặt mình phải giữ được lập trường của mình nhưng cũng phải kéo được họ trở lại bàn đàm phán, để không đổ vỡ và mình không phải hy sinh lợi ích... Phải đạt một lúc được nhiều yêu cầu.

- Là người đã từng trực tiếp tham gia đàm phán WTO, theo dự báo của ông, Việt Nam sẽ có sự phát triển đột biến sau bao lâu nữa?


- Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì chỉ 2 -3 năm nữa là sẽ có những bước phát triển đột biến. Trung Quốc mất 5 năm còn Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội, thúc đẩy phát triển thì chỉ mất 2 - 3 năm. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải tiếp tục đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đổi mới để tăng tốc độ, tăng hiệu quả và chớp lấy cơ hội. Tất cả các nước quan tâm đến Việt Nam và Việt Nam phải nỗ lực để chớp lấy thời cơ.

- Còn những vấn đề gì Việt Nam phải tiếp tục làm để đạt được mục tiêu phát triển sau gia nhập WTO, thưa ông?

- Đúng là có những điều chúng ta chưa thực hiện được. Ngay cả việc hiện giờ đầu tư nước ngoài vào nhiều thì vấn đề tổ chức triển khai, đội ngũ cán bộ ở địa phương phục vụ không tốt, nên ODA giải ngân chậm, các dự án FDI khai tác không được tốt. Tôi cho rằng, đây là năm đầu nên chúng ta còn chấp nhận được nhưng phải chuẩn bị cho khai thác tốt trong năm sau, nếu không có chuyển biến, các nhà đầu tư sẽ chán. Vấn đề là khả năng tiếp nhận của nền kinh tế đối với các nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải chuyển quản lý trực tiếp bằng định giá, bằng cấp phép, ra lệnh sang đầu tư gián tiếp, xây dựng chính sách và pháp luật và kiểm tra, các chuẩn mực cho các doanh nghiệp thực hiện. Nói giá thế giới tăng ảnh hưởng đến lạm phát là đúng. Cá nước khác đều thế nhưng các nước kiềm chế được mà ta không kiềm chế được là do chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và làm chưa đạt.

- Cảm ơn ông. 

ANH NHI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục