LTS: Từ ngày 22-10, Quốc hội khóa XIII tiến hành kỳ họp thứ 4, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm điểm trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân trước Quốc hội. Với sự quan tâm và ý thức trách nhiệm, nhiều bạn đọc đã thông qua Báo SGGP gửi gắm nhiều ý kiến, tâm tư, góp ý với Quốc hội và Chính phủ.
“Biết sai mà sửa mới quý”
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm điểm trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân trước Quốc hội. Có nhiều người cho rằng đây là một sự kiện khá đặc biệt và phân tích, nhìn nhận ở nhiều góc độ. Bác Hồ đã cho hậu thế một bài học quý: Chính phủ phải có trách nhiệm trọng dân và thành thật nhận lỗi trước dân khi có sai sót, khuyết điểm.
Chúng ta nhớ lại cuối năm 1945, Bác Hồ với cương vị Chủ tịch Chính phủ đã đăng báo và phát biểu trên đài phát thanh để tự phê bình mình. Sau khi nói về việc Chính phủ và đồng bào đều cố gắng, nhưng tình hình và hoàn cảnh của đất nước còn khó khăn, cuộc sống của người dân còn gian nan, nghèo khó, Bác tự phê như sau: “Chỉ vì tôi tài hèn sức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”.
Một người lãnh đạo tầm cỡ mà khiêm tốn, nhún nhường đến vậy, thật đáng kính trọng. Đó là tấm gương đạo đức xứng đáng để các thế hệ học tập.
Nước ta ở vào giai đoạn lịch sử đó quả có rất nhiều khó khăn vì thù trong, giặc ngoài, một số bộ phận hành chính còn lỏng lẻo, tệ tham nhũng chưa quét sạch… Bác thành thật tự nhận lỗi: “Tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi”. Cuối cùng Bác đưa ra biện pháp khắc phục, sửa chữa: “Từ nay, tôi mong rằng đồng bào ra sức giúp tôi và Chính phủ sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ”.
Do đó, người dân rất mong chính quyền các cấp quán triệt các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phê bình và tự phê bình, nghiêm túc học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ ngay trong việc phê bình nói trên. Mạnh dạn nhìn nhận những sai sót, đưa ra biện pháp khắc phục, sửa chữa. Có như vậy, dân sẽ tin, ủng hộ, và sự nghiệp xây dựng đất nước mới phát triển hiệu quả. Bác cũng từng nói: “Đừng sợ mình sai. Biết sai mà sửa mới quý”.
VƯƠNG LIÊM (Quận 1, TPHCM)
Tăng mức lương tối thiểu chung theo lộ trình
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc nhận lỗi về những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đây là một cơ sở để cử tri cả nước kỳ vọng hơn vào những chuyển biến tích cực trong quá trình hoạch định, quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, đưa đất nước phát triển. Tuy nhiên, mục tiêu an sinh xã hội đề ra vào năm 2013 cần được Chính phủ nêu cụ thể hơn để các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở thực hiện.
Trước hết, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung vào tháng 5-2013 không nên hoãn lại với lý do ngân sách nhà nước khó khăn chưa bố trí được nguồn, bởi nếu lùi lại sẽ ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người liên quan đến chính sách tiền lương, thu nhập làm công ăn lương và đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công. Mặt khác, tăng mức lương tối thiểu chung theo lộ trình Quốc hội đã ban hành là một trong các yếu tố tác động tích cực để phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả thiết thực trong bộ máy công quyền.
Ngoài ra, cần sớm có chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Hiện nay cả nước chỉ mới có 140.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, nay cần cộng nối đủ 20 năm để nghỉ hưu, nên mới đăng ký nộp, còn số tham gia lần đầu rất ít, vì chưa có một khoản hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Lộ trình thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân cũng quá chậm chạp, mỗi năm tăng tỷ lệ không như mong muốn, vì nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản vẫn là biện pháp thiếu đồng bộ, thiếu kiên quyết và không đưa ra con số cụ thể cho từng nhóm, từng thời điểm.
Từ thực tế đó, rất mong Quốc hội giao Chính phủ định hướng mục tiêu cụ thể về lĩnh vực an sinh xã hội năm 2013 để góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược của Đảng về chăm lo đời sống người lao động và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe mọi tầng lớp nhân dân.
NGUYỄN TIẾN ĐẠT (Giám đốc BHXH Đức Trọng, Lâm Đồng)
Thực hiện nghiêm túc việc bỏ phiếu tín nhiệm Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được trình để Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này. Đây là việc làm cần thiết, góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đi vào cuộc sống. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giúp Đảng, Nhà nước đánh giá, bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi hàng ngũ những cán bộ không đủ phẩm chất và loại bỏ những cán bộ làm việc không hiệu quả, tránh được sự trì trệ của những cơ quan của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Từ trước đến nay, khi cán bộ giữ chức vụ do Quốc hội hoặc HĐND bầu thì coi như đã “yên vị” đến hết nhiệm kỳ. Do đó, nếu đề án này được thực hiện sẽ làm bộ máy từ trung ương đến địa phương được thanh lọc, đồng thời thể hiện rõ ràng hơn quyền làm chủ của cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội và HĐND. Thực ra, quy định lấy phiếu tín nhiệm từng được quy định trong Luật Hoạt động giám sát năm 2003. Theo đó, để bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh lãnh đạo, cần một trong hai điều kiện. Thứ nhất là có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị; thứ hai là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội bỏ phiếu. Quy định đã có từ lâu, nhưng chưa từng được thực hiện vì chưa có quy chế chặt chẽ. Theo dự thảo, người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức tín nhiệm thấp có thể xin từ chức hoặc Quốc hội xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đề án này, cần phải lấy phiếu tín nhiệm trước, sau đó mới bỏ phiếu tín nhiệm. Khi góp ý xây dựng đề án này, cũng có ý kiến đề nghị chỉ bỏ phiếu tín nhiệm và có hai sự lựa chọn cho các đại biểu là tín nhiệm hay không tín nhiệm? Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, việc trả lời với hai phương án tín nhiệm hay không tín nhiệm sẽ rành mạch hơn và mang tính chất đột phá hơn. Nếu cán bộ thực sự làm tốt nhiệm vụ của mình sẽ luôn được các đại biểu tín nhiệm và ngược lại, làm không tốt sẽ không được tín nhiệm.
|