Nhớ Bác

Nhớ Bác

Tôi may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần, đó là những giây phút thiêng liêng, quý báu nhất đời tôi. Tôi trân trọng khắc ghi, nâng niu những giây phút ấy cho tới nay. Khi đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, những ký ức về Bác thường hiện rõ trong tôi. Bác có tấm lòng từ ái với tất cả mọi người, đó là điều mà ai cũng biết, nhưng với những người làm bảo vệ và phục vụ như chúng tôi, Bác lại có một tình cảm rất đặc biệt, vừa thân thương, vừa ấm áp, lại rất thiêng liêng. Tôi luôn nghĩ rằng, nếu như không làm bảo vệ và phục vụ, chắc sẽ không bao giờ tôi có cơ hội gặp Bác, cơ hội mà từ các cháu nhỏ cho đến các cụ già ở nước ta, nhất là ở miền Nam, đều mong ước... Vì vậy đối với tôi, được gặp Bác là cơ duyên, là phúc phận của mình.

1. Vốn xuất thân từ một gia đình rất nghèo ở xã Thành Triệu, huyện Sóc Sải (nay thuộc huyện Châu Thành), tỉnh Bến Tre, tuổi thơ của tôi đã trải qua những ngày tháng vô cùng thiếu thốn, cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không có để mặc, ngủ chỉ có một chiếc nóp (đệm bàng gấp lại), không được học hành, nhưng nhờ ánh sáng của cách mạng cuộc đời tôi đã thay đổi.

Bác Hồ cùng với tiểu đội võ trang bảo vệ phái đoàn Nam bộ. Ảnh chụp tháng 10-1948.
Bác Hồ cùng với tiểu đội võ trang bảo vệ phái đoàn Nam bộ. Ảnh chụp tháng 10-1948.

Trong những năm tháng sống và chiến đấu đầy gian khổ, có một niềm vui, niềm vinh dự đã tiếp sức cho tôi vượt qua những khó khăn, nguy hiểm, đó là những lần được gặp Bác Hồ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tôi tham gia Đội Thanh niên Tiền phong. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chúng đưa quân chiếm tỉnh lỵ Bến Tre, lấn chiếm đóng đồn tại huyện Sóc Sải, tôi bị bắt. Tên chỉ huy nói: “Mày là Việt Minh theo Hồ Chí Minh phải không?”. Tôi nghe mà không biết Hồ Chí Minh là ai. Sau đó, tôi trốn thoát nhờ sự trợ giúp của người dân.

Một lần, Ban Tuyên truyền lưu động khu 8 đến biểu diễn văn nghệ tại chợ Sóc Sải, tôi đi xem, thấy có một anh thanh niên hát bài ca về Hồ Chí Minh say sưa, lúc đó tôi mới biết Bác Hồ là vị lãnh tụ kháng chiến kính yêu của đất nước. Bắt đầu từ đó, trong tôi dấy lên niềm yêu quý và ao ước được gặp Bác…

Ngày 15-3-1948, đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh khu 8, nhắc nhở chúng tôi rèn luyện sức khỏe để sẵn sàng bảo vệ phái đoàn Nam bộ ra chiến khu Việt Bắc, báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình kháng chiến ở miền Nam. Tôi sung sướng như được nhận phần thưởng. Đêm đó, tôi đã không ngủ được, cứ thao thức mãi vì niềm mong ước ấp ủ bấy lâu nay sẽ trở thành sự thật. Đoàn rời Đồng Tháp Mười ngày 15-4-1948, ròng rã mấy tháng trời, đến ngày 5-10-1948, đoàn mới tới chiến khu Việt Bắc.

Đồng chí giao liên đưa chúng tôi đến văn phòng Bộ Quốc phòng. Có thể nói, trong suốt hành trình dài từ miền Nam ra Việt Bắc, nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi chính là ước muốn được gặp Bác Hồ. Chỉ nghĩ đến giây phút đó, chúng tôi đã vơi hết mệt nhọc. Và, giây phút chờ đợi ấy đã đến. Gặp được Bác, chúng tôi không còn để ý tới hàng ngũ, chạy ùa vào Bác như những đứa con đi xa lâu ngày sà vào ôm người cha kính yêu đầy thương nhớ, trông chờ, nghẹn ngào không nói nên lời. Chúng tôi quấn quít quanh Bác, xúc động sờ lên bộ bà ba nâu của Bác, thổn thức nắm bàn tay ấm của Bác. Tóc Bác chỉ mới lâm râm vài sợi bạc, mắt Bác sáng đầy sức truyền cảm, thân tình và ánh lên niềm yêu thương, gần gũi, nhân hậu như tình ruột thịt. Bác bình dị từ trong cách ăn mặc đến cử chỉ, lời nói. Những cảm xúc của chúng tôi lúc ấy thật khó có thể diễn tả được.

Cả tiểu đội vũ trang chúng tôi quây quần quanh Bác, Bác ân cần hỏi thăm từng người về gia cảnh, quê quán, đơn vị, những chiến công lẫn những gian khổ. Bác không chỉ quan tâm chuyện quốc gia đại sự mà còn quan tâm đến tình cảm riêng tư của chúng tôi. Rồi Bác bảo mọi người chụp ảnh với Bác để kỷ niệm. Bác đứng giữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Trần Văn Trà đứng hai bên, cùng với tất cả cán bộ chiến sĩ trong tiểu đội. Tấm ảnh được chụp hơn 60 năm trước, nhưng đến nay vẫn còn hiện rõ hình ảnh Bác Hồ giữa núi rừng Việt Bắc.

Bác nói với chúng tôi: “Giặc Pháp muốn bám rễ ở Nam bộ để thôn tính nước ta. Chúng hoàn toàn ảo tưởng. Đồng bào Nam bộ đã ngăn chặn chúng. Bác mong các cháu phải tin tưởng mà công tác và chiến đấu cho thắng lợi độc lập”. Rồi Bác nhắc nhở: “Thời tiết ở đây thay đổi bất thường không như thời tiết ở Nam bộ, các cháu phải giữ gìn sức khỏe để làm nhiệm vụ và học tập những kinh nghiệm tốt nhằm phục vụ đồng bào”.

Tháng 2-1949, đồng chí Trần Văn Trà họp đoàn để phổ biến kế hoạch về miền Nam. Bác Hồ đến thăm ân cần nhắc nhở chúng tôi giữ gìn sức khỏe. Bác còn dặn: “Nhớ báo cáo với đồng bào chiến sĩ rằng, đoàn đã gặp Bác, Bác vẫn mạnh  khỏe. Bác chuyển lời hỏi thăm sức khỏe đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ miền Nam, động viên mọi người cố gắng chịu đựng gian khổ để đánh giặc. Bác và Trung ương luôn nhớ đến đồng bào, chiến sĩ”. Sau đó, Bác bắt tay từng người một, có người cảm động ôm Bác khóc nức nở…

2. Tháng 6-1952, anh Ba Lê Duẩn được Bác Hồ gọi ra chiến khu Việt Bắc báo cáo tình hình miền Nam. Tôi lại theo đoàn đi dọc dãy Trường Sơn suốt mấy tháng ròng mới ra tới chiến khu Việt Bắc, đến văn phòng Trung ương Đảng đúng vào ngày 20-11-1952. Bác Hồ đến thăm đoàn, Bác bắt tay và ôm hôn anh Ba Duẩn. Bác ân cần dặn dò mọi người giữ gìn sức khỏe, vì núi rừng Việt Bắc lạnh hơn so với tiết trời Nam bộ. Sau đó, Bác nói chuyện với từng người trong đoàn. Tôi vô cùng xúc động khi Bác vẫn nhận ra tôi trong lần gặp trước đây, lúc đi với đoàn anh Trần Văn Trà.

Cuối năm 1953, anh Ba sang nhà Bác làm việc đến khuya, phải ngủ lại đêm. Giường ngủ là sạp lát bằng cây bươm, chỉ có chiếu lót lưng, mùa này rất lạnh nên phải đốt lửa sưởi ấm. Khoảng một giờ khuya, nghe tiếng máy bay địch, tôi giật mình thức dậy, đã thấy Bác Hồ và anh bảo vệ cầm cái chăn Nam Định căng ra theo hướng máy bay địch.

Tôi bối rối: “Sao Bác không gọi cháu?”. Bác nói: “Để cháu ngủ, mai còn làm việc”. Tôi cảm động đến mức không thể nào chợp mắt được, cứ nằm thao thức chờ trời sáng.

Đến năm 1961, tôi lại có cơ hội gặp Bác. Đó là một ngày tháng 2-1961, Bác Hồ đến nhà số 6 đường Hoàng Diệu - Hà Nội để làm việc với anh Ba Duẩn, lúc ấy anh Ba còn đang nghỉ trưa.

Bác Hồ bảo: “Cứ để chú ấy nghỉ thêm chút nữa, các cháu đừng gọi chú ấy dậy, Bác cháu ta ngồi đây nói chuyện”. Bác hướng về phía tôi hỏi: “Cháu lâu nay vẫn theo chú Duẩn à?”. Tôi hơi giật mình vì đã hơn 7 năm rồi mà Bác vẫn còn nhớ. Tôi thưa với Bác: “Dạ, từ cuối năm 1952 ở Việt Bắc cho đến nay, cháu vẫn theo phục vụ anh Ba”.

Ngày 19-5-1966, nhân dịp sinh nhật lần thứ 76, Bác Hồ lên nghỉ tại nhà khách Trung ương ở Hồ Tây, Hà Nội. Bác gọi chủ nhiệm nhà khách lên gặp. Bác nói liền: “Cháu lên đây rồi à!”. “Thưa Bác, được sự đồng ý của anh Ba Duẩn, văn phòng Trung ương Đảng điều cháu lên làm chủ nhiệm nhà khách Hồ Tây”.

Hôm đó, Bác bảo tôi chuẩn bị một bữa cơm thân mật để mời thư ký, bác sĩ, bảo vệ, lái xe, phục vụ và ban chủ nhiệm nhà khách. Bác còn dặn thêm: “...Nhớ làm cơm ngon nhưng đừng lãng phí”. Đúng 11 giờ 30 phút, Bác dùng cơm cùng với anh em. Trước khi ăn, Bác đi qua một lượt xem các món ăn, khen được và dặn “mọi người nên ăn cho hết”. Hôm đó, tôi vinh dự được đại diện anh em chúc mừng sinh nhật lần thứ 76 của Bác. Tôi chúc Bác mạnh khỏe. Bác vui lắm.

Bác ra đi, hàng triệu người dân Việt Nam và nhân dân thế giới thương tiếc. Đến nay, đã hơn 40 năm, nhân kỷ niệm lần thứ 120 sinh nhật Bác 19-5-2010, viết bài này, tôi xin thắp nén hương lòng khấn Bác và xin hứa với Bác những lời Bác chỉ dẫn, cháu luôn ghi nhớ và quyết đi đến cùng con đường cách mạng của Bác kính yêu.

NGUYỄN VĂN HOÀNH
(Nguyên Phó Cục trưởng Cơ quan T.78 thuộc văn phòng Trung ương Đảng phía Nam)

Tin cùng chuyên mục