Nhờ Bác, tôi khỏe mạnh hơn

Tám năm trước, khi còn là học sinh trung học, tôi thường mặc cảm, thiếu tự tin về vóc dáng khiêm tốn của mình so với bạn đồng trang lứa. Bù lại tôi học giỏi và lại chăm ngoan nên cả lớp bầu tôi làm lớp trưởng.

Do nhỏ con nên tôi thường được ba má khuyến khích ăn nhiều, bởi “học giỏi mà người bé xíu thì không làm được gì đâu con ạ”. Hàng ngày tôi thường dậy học bài lúc 4 giờ sáng, một hôm chợt nghe trên đài phát thanh “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.

Tôi giật mình suy nghĩ, nhớ đến mong mỏi của cha mẹ dành cho mình và ý thức sâu xa hơn việc phải khỏe như lời dạy của Bác Hồ được phát trên đài.

Qua sách vở, thầy cô, tôi biết suốt cuộc đời gian nan vất vả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng Bác lúc nào cũng lạc quan, vui sống. Ngay cả khi thân hình tiều tụy, tóc bạc, răng mòn, nhưng Bác vẫn rèn luyện sức khỏe hàng ngày. Nhờ vậy mà Bác bền bỉ lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kể từ đó tôi quyết tâm rèn luyện sức khỏe, đầu tiên là những bài tập thể dục thông thường, sau đó tôi chơi cầu lông, bóng đá, bóng bàn… và chạy bộ cùng một người bạn gần nhà. Thành tích cao nhất của tôi là 10km chạy bộ.

Tôi khỏe mạnh hơn, vui tươi hơn, giúp đỡ ba mẹ được nhiều hơn và đặc biệt tôi học tốt lên rất nhiều. Chính từ lời dạy của Bác đã giúp vóc dáng tôi thay đổi. Sau hai năm tôi cao thêm được 10cm.

Những lời dạy của Bác giản dị mà sâu sắc, mộc mạc mà chân thành, những gửi gắm mang cả một tình yêu bao la. Tôi ngày càng thêm kính yêu Bác, tư tưởng của Bác không chỉ thổi lớn tâm hồn mà cả vóc dáng tôi. Có sức khỏe là có tất cả, để lao động, học tập, phục vụ quê hương đất nước.

Tôi muốn chuyển thông điệp từ chính kinh nghiệm bản thân tới các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên: Hãy tích cực, thường xuyên rèn luyện sức khỏe, phát triển toàn diện “trí, thể, mỹ”, có vậy mới có thể góp phần kiến thiết nước nhà.

NGUYỄN TUẤN ANH
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh)


Để cuộc đời trong sáng

Tôi thấy rằng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ là cuộc vận động dành cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức Nhà nước mà còn là đối với cả xã hội. Bởi lẽ, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác, sẽ nhận thấy rằng Bác dạy chúng ta cả từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống, từ quan hệ giữa những người trong gia đình, họ tộc đến cách sống thân ái, nhường nhịn nhau giữa hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp; dạy chúng ta quan tâm đến người nghèo, góp sức chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ…

Những điều Bác dạy nói trên, nếu từng người chúng ta đều nhớ và làm theo thì tôi tin rằng cuộc sống sẽ tốt hơn, trong sáng hơn rất nhiều. Dư luận xã hội đã nhiều lần bị sốc khi đọc những thông tin như chỉ từ một vụ va quẹt xe mà dẫn đến ẩu đả, đâm chém nhau khiến vài người thiệt mạng; nghiêm trọng hơn là những trường hợp cha con, vợ chồng, anh em ruột giết nhau trong cơn nóng giận của cuộc cãi vã mà nguyên nhân bắt nguồn chỉ từ một chuyện rất nhỏ, rất vụn vặt trong cuộc sống…

Sau khi những án mạng loại này xảy ra, các hung thủ đều rất hối hận, đều tự trách mình đã không biết kiềm chế hành vi. Nhưng dù họ có ăn năn hối tiếc đến đâu thì cũng không thể trả lại sự sống cho người đã chết!

Hãy học tập và làm theo điều Bác dạy - Sống thân ái, tôn trọng, nhường nhịn những người thân, những người chung quanh  - tôi tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

NGỌC PHỤNG

(957 Hậu Giang, quận 6)

Chớ tập cho trẻ nhiễm bệnh thành tích

Cho đến nay, phong trào “kế hoạch nhỏ” vẫn được tiếp tục duy trì thường xuyên tại nhiều trường tiểu học ở nước ta, gây ra không ít “hệ lụy” cho học sinh (HS) và cả phụ huynh. Cụ thể, trong năm học 2010-2011, Hội đồng Đội TPHCM giao “chỉ tiêu” đóng góp: ít nhất 1,5kg giấy vụn/HS. Đặc biệt, em nào nộp cho trường từ 20 - 40kg sẽ đạt danh hiệu “chiến sĩ”, hơn 40kg (hoặc 100 vỏ lon bia, nước ngọt) sẽ trở thành “dũng sĩ” (kế hoạch nhỏ).

Từ những quy định trên, rất nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua báo cũ (hoặc vỏ lon bia, nước ngọt) từ mấy bà bán ve chai để con mình nộp cho trường lấy thành tích. Trong “Ngày hội kế hoạch nhỏ” ở nhiều trường, không ít PHHS thuê xe chở hàng đống giấy báo cũ, vỏ lon bia đến nộp để con mình đạt các danh hiệu “chiến sĩ”, “dũng sĩ” cho… oai! Phụ huynh nghèo cũng ráng mua để “đủ chỉ tiêu” giao nộp.

Theo tôi, thời nào nên có phong trào nấy cho phù hợp. Mục đích của phong trào “kế hoạch nhỏ” trước đây là để tập cho các em tính tiết kiệm, chịu khó, để dành từ những cái nhỏ nhặt nhằm làm những việc có ích, lớn hơn. Hiện nay, hoàn cảnh đất nước nói chung đã đổi khác, phụ huynh nào cũng muốn con em mình tập trung học tập, thay vì bỏ công sức ra làm những việc quá chi li, lặt vặt, mất nhiều thời gian, mà hiệu quả mang lại hầu như không đáng gì!

Do vậy, họ sẵn sàng bỏ ra một ít tiền mua “sản phẩm kế hoạch nhỏ” để giúp con em mình giao nộp đủ (hoặc thừa) “chỉ tiêu” cho xong, đỡ phải “rách việc”. Từ đó lại “đẻ” ra những hệ lụy không hay tiếp theo, đó là tạo cho các em (và xã hội nói chung) suy nghĩ: tiền có thể mua được danh hiệu và nguy hiểm hơn: tập cho các em nhiễm phải căn “bệnh thành tích” ngay từ nhỏ, khi còn ở độ tuổi tiểu học!

PHAN TRỌNG HIỀN
(Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục