Nhớ chú Sáu Ngọc!

Hôm nay 16-8-2016, chú Sáu Ngọc (Lê Thanh Vân) được truy tặng danh hiệu Anh hùng, dù muộn nhưng thể hiện sự tri ân đối với một con người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Nhớ chú Sáu Ngọc!

Hôm nay 16-8-2016, chú Sáu Ngọc (Lê Thanh Vân) được truy tặng danh hiệu Anh hùng, dù muộn nhưng thể hiện sự tri ân đối với một con người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chú Sáu Ngọc sinh năm 1921, ở Bến Tre, còn có bí danh khác là Năm Tú. Chú xuất thân trong một gia đình đại địa chủ nhưng sớm gắn bó với cách mạng; cha làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Thạnh Phú, mẹ tham gia Hội mẹ chiến sĩ ở xã Đại Điền, Thạnh Phú, Bến Tre - từng nuôi chứa Tiểu đoàn 307 những ngày đầu xuất quân. Lúc nhỏ, là học sinh của Trường Collège Mỹ Tho, sau đó học ở Pétrus Ký Sài Gòn tới bậc tú tài nên sau này mọi người gọi là Năm Tú. Cảm giác bị mất nước khi nhìn thấy những người yêu nước bị giết hại và phong trào phản kháng thực dân xâm lược được nhen nhóm trong lớp trẻ, học sinh của Trường Pétrus Ký Sài Gòn. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, tinh thần yêu nước lên cao, được những người bạn như Cao Đăng Chiếm rủ làm cách mạng, chú Sáu tham gia thanh niên tiền phong, quốc gia tự vệ cuộc - Ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn… Năm 1945, chú là người leo lên tháo cờ của Pháp khỏi Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Lúc đó, trong nhóm có ba người, hai người gác bên dưới là Cao Đăng Chiếm có súng lục, còn Ung Ngọc Ky thì tay không, chú Sáu Ngọc có lưỡi lê dắt bên lưng. Năm 1953, chú được phân công làm Trưởng ty Công an và được cho ra Trung ương học, đi tới Quảng Ngãi phải dừng lại một thời gian rồi cùng đoàn đi tập kết ra Bắc, làm việc ở Ban Thống nhất; tham gia tổ sửa sai cải cách ruộng đất ở Thái Bình…

Đến khi các đồng chí lãnh đạo ở miền Nam ra, thấy chú Sáu làm trái ngành nên đưa trở lại ngành công an, một thời gian thì được đề bạt Cục trưởng Cục Tình báo, Bộ Công an. Năm 1968, chú về lại miền Nam, làm Phó ty An ninh T4 kiêm Trưởng ban điệp báo, sau đó được bổ sung vào Khu ủy. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một cánh của An ninh T4 do chú chỉ huy chiếm lĩnh Nha Cảnh sát đô thành. Sau giải phóng, chú Sáu được phân công làm Phó Giám đốc phụ trách an ninh, rồi Giám đốc Công an TPHCM. Trước khi về hưu chú Sáu là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM. Một thời gian dài sau khi về hưu, chú thường được mời góp ý cho lĩnh vực an ninh. Ưu tư của chú chính là giặc nội xâm, là những cảnh báo về những yếu tố mới, còn ngoại xâm theo chú là bình thường, khi nào ta yếu đi, thì ngoại xâm mới có thể vào được. Muốn giải phẫu nội xâm phải làm đến tận xương.

Gia đình chú Sáu gắn bó với ngành công an. Vợ là công an của đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, năm 1949 bị bắt khi làm nhiệm vụ giao thông liên lạc của điệp báo Sài Gòn, từng bị địch giam cầm 5 năm ở Catinat, Chí Hòa… Hai người con lớn cũng theo nghiệp cha mẹ, trong đó có Trung tướng Lê Thanh Bình.

Những năm cuối đời, chú Sáu hay về thăm lại những vùng căn cứ năm xưa, gặp lại những người làm giao liên, cơ sở của chú, phần lớn là những người dân thường, sẵn sàng tham gia những công việc hiểm nguy không nề hà hy sinh, gian khổ, bắt bớ, giam cầm. Nhiều người hoạt động bí mật, có người là Việt kiều ở tận Thái Lan, Campuchia… mà sau này không phải ai cũng được hưởng chế độ, chính sách. Hoạt động đơn tuyến, thường thì cơ sở do ai xây thì nấy dùng - đây là đặc điểm nghề nghiệp mà chú thấy mình có trách nhiệm xác minh, làm thủ tục giải quyết chính sách cho những người còn sót. Có người lý lịch xấu nhưng tinh thần hy sinh cao và có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Tính chú Sáu như hợp với nghề nghiệp: biết nhiều, làm nhiều, nói ít, thâm trầm, lặng lẽ cống hiến. Có lẽ vì thế mà sau này chú cũng không viết hồi ký và cũng không làm thủ tục khen thưởng… Khi nói về người cha, Trung tướng Lê Thanh Bình bày tỏ: Ấn tượng nhất về ba là lòng say mê công việc, cực kỳ nghiêm khắc đối với bản thân, không quà cáp, ghét bè phái. Ông luôn cảm thấy đau xót với tiêu cực nội bộ, những hiện tượng tham nhũng về vật chất, địa vị, để dung dưỡng kiểu chạy chọt là bất công và độc ác. Ông luôn canh cánh bên lòng việc làm thế nào để không thể lạm dụng quyền lực.

Những cán bộ trẻ được làm việc cùng chú Sáu trong những ngày đầu giải phóng đều rất quý chú. Chú ít nói nhưng luôn theo dõi, giúp đỡ, góp ý rất chân tình. Thấy cán bộ đoàn thể hay đi công tác bằng xe đạp, chú chỉ đạo cấp dưới sửa những chiếc xe Honda cũ còn trong kho, rồi kêu qua lấy mà dùng. Chú Sáu cảm hóa người khác bằng tình thương, trách nhiệm của một nhà lãnh đạo từng trải, liêm khiết, hết lòng, hết sức vì công việc chung, luôn kiên quyết với các thế lực thù địch. Nhiều chiến công của chú Sáu thầm lặng để lại cho đời.

Cho dù, chú Sáu đã đi xa, phần thưởng lớn mà chú được truy tặng vẫn rất ý nghĩa, vì dành cho người xứng đáng. Thế hệ tiếp nối tự hào về chú, một tướng an ninh, tình báo quả cảm, kiên cường, có sức chịu đựng lớn và luôn rất gần gũi, giản dị, chân tình. Rất nhớ chú khi viết những dòng này. Xin cảm ơn chú thật nhiều - chú Sáu Ngọc.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục