Nghệ sĩ nhân dân - họa sĩ Lương Đống - “anh”, như lớp nghệ sĩ sân khấu trẻ chúng tôi những năm 60, 70 của thế kỷ trước ở Hà Nội - vẫn thường quý mến gọi như vậy. Anh đã về cõi vĩnh hằng để lại trong lòng chúng tôi nỗi tiếc thương về người hoạ sĩ - nghệ sĩ tài hoa, lúc nào cũng trăn trở, suy tư, tìm kiếm những không gian sân khấu khác nhau khi trang trí cho một vở kịch hay cải lương. Những không gian do NSND - hoạ sĩ Lương Đống tìm ra không chỉ có ý nghĩa là địa điểm xảy ra tình huống kịch mà còn là môi trường sống của nhân vật, môi trường sáng tạo của diễn viên và trên tất cả là sự sống của kịch bản, điểm tựa cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo.
Nói về NSND - hoạ sĩ Lương Đống, không thể không nhắc tới bộ trang trí “Câu chuyện Iếc - Kút” do ông sáng tạo đã gây ấn tượng không chỉ ở công năng linh hoạt mà còn ở vẻ đẹp dung dị của hình khối, chất liệu, màu sắc. Vở diễn này được rất nhiều người xem nhớ bởi được thấy sự sáng tạo tuyệt vời của NSND - họa sĩ Lương Đống với chiếc bục vạn năng và sự xoay chuyển linh hoạt của cảnh trí để đạo diễn dàn dựng được liên tục. Hàng chục cảnh trí thay nhau chuyển động nhanh, đẹp và thuận lợi cho việc biểu diễn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông đã mang tới vở diễn một sức thanh xuân đầy ắp cảm xúc.
Có thể nói, sáng tạo của NSND - hoạ sĩ Lương Đống trong vở “Câu chuyện Iếc - Kút” như một sự mở đầu cho một cuộc cách mạng về trang trí thiết kế sân khấu ở chỗ là sự sáng tạo mới về thiết kế sân khấu nước nhà và đồng thời cũng mở ra một hướng rất mới cho sự kết hợp hài hòa về không gian sân khấu giữa sân khấu hiện đại và sân khấu truyền thống.
Lúc sinh thời, NSND - họa sĩ Lương Đống có một cốt cách rất trí tuệ, nhưng cũng rất khiêm nhường. Đặc biệt với các nghệ sĩ trẻ chúng tôi hồi đó, ông rất kiệm lời, nhưng khi đã nói thì điều ông nói thường là kết quả của những suy tư thấu đáo đầy tính thuyết phục.
Rời miền Bắc vào Nam, ông đã mang hết tâm huyết vào công việc vừa mang tính sáng tạo, vừa mang tính xây dựng. Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần với không gian gần như trống rỗng, ngoài các hàng ghế khán giả lại là một điểm diễn lý tưởng cho thử nghiệm sân khấu bởi chỉ ở đây sân khấu diễn và khán phòng là một không gian. Chỉ khi diễn, diễn xuất của diễn viên sẽ cho khán giả nhận biết đâu là không gian của vở diễn, đâu là không gian của rạp hát. Từ khi có sân khấu này, các vở diễn ở đây đều rất khác nhau về không gian và trang trí. Chính sự đa dạng, đa chiều về trang trí, tính ước lệ và biểu trưng cao đã cho phép các đạo diễn thỏa sức tung hoành trong tìm tòi, sáng tạo.
Không chỉ chăm lo cho sân khấu nhỏ, NSND - họa sĩ Lương Đống còn để lại dấu ấn khó phai mờ của tầm sáng tạo lớn cho các sân khấu quy mô, hoành tráng, hiện đại. Khó có thể quên bộ ba vở diễn Tình nghệ sĩ, Những thước phim đời và Chuyến tàu hoàng hôn do ông làm họa sĩ. Ông đã khéo léo phát huy những ưu điểm của chiều cao, chiều sâu và chiều rộng của sân khấu Nhà hát Hòa Bình để tạo ra những vẻ đẹp hoành tráng, kỳ vĩ lôi cuốn, hấp dẫn khán giả. Những không gian ông đã từng vẽ ra, thiết kế nên vẫn còn mãi trong sự nghiệp của những người đang đi và sẽ đi tiếp con đường mà ông đã vạch ra, đã mở lối: Đi tìm hình cho vở diễn.
NSƯT TRẦN MINH NGỌC