Hôm rồi, đọc báo thấy đưa tin trang trọng việc TS Phan Lạc Tuyên, một học giả nổi tiếng về dân tộc học, tôn giáo học đã từ trần vào ngày 10-11-2011 tại TPHCM, hưởng thọ 84 tuổi, trong lòng tôi bỗng dấy lên bao cảm xúc khó tả khi nhớ về ông - một người thầy đã để lại cho thế hệ sinh viên chúng tôi lúc bấy giờ bao niềm cảm phục về tài năng, đức độ, nhân cách và lòng say mê nghiên cứu khoa học.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, TS Phan Lạc Tuyên công tác tại Viện Khoa học xã hội TPHCM, thường được Trường Đại học Tổng hợp TPHCM mời giảng các chuyên đề về dân tộc học cho sinh viên khoa Sử chúng tôi.
Điều để lại cho thế hệ sinh viên chúng tôi ấn tượng, sự khâm phục chính là học vấn uyên thâm, tấm lòng đức độ, bao dung, niềm say mê nghiên cứu khoa học của ông. Mỗi khi có giờ giảng của ông là chúng tôi đều đến lớp rất đầy đủ và ngồi im phăng phắc nghe như nuốt từng lời. Ông đã từng đi rất nhiều nước để nghiên cứu, học tập, giảng dạy. Mỗi lần về nước, ông mua nhiều nhất là sách, đủ loại, chất cả mấy rương. Ông bảo, là người nghiên cứu khoa học thì thứ quý giá nhất trên đời là sách và kiến thức. Ông thường khuyên chúng tôi, cứ nỗ lực cố gắng học tập, sau này ra trường dù ở bất cứ lĩnh vực, công việc gì thì trước hết là phải làm người cho thật tốt, giữ gìn đạo đức trong sáng, đừng tham lam, đòi hỏi quá nhiều ở cuộc sống.
Có lần, khoa Sử tổ chức sinh hoạt chuyên đề vào ngày nghỉ và mời thầy Tuyên đến thuyết trình về chủ đề: “Kẻ sĩ xưa và nay”. Hôm đó, giảng đường không còn một chỗ trống, sinh viên chúng tôi ai nấy đều ngồi lặng phắc khi nghe ông giảng về cái đạo làm người của kẻ sĩ đích thực. Đó là dù xưa hay nay, đã mang danh kẻ sĩ - người trí thức thì cần phải sống có nghĩa khí, biết “trọng nghĩa khinh tài”, phải giữ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” ở đời. Cuối buổi, ban tổ chức có đưa một “phong bì” gọi là thù lao buổi nói chuyện, ông liền gạt phắt: “Tôi nói mà có đông sinh viên đến nghe như vậy là vui lắm rồi”. Gần một năm học các chuyên đề của thầy Tuyên, quả thật chúng tôi được trưởng thành lên rất nhiều, từ kiến thức, suy nghĩ về cuộc sống, hoài bão cho đến sự hiểu biết về nhân tình thế thái, đối nhân xử thế ở đời.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, chúng con, thế hệ sinh viên may mắn được thầy truyền dạy cho tri thức cũng như biết bao điều hay lẽ phải ở đời để làm hành trang vững bước trong cuộc sống hôm nay, thầm nguyện thắp nén nhang tưởng nhớ đến thầy.
TƯỜNG MẠNH
(Phóng viên báo Đắc Nông)