Ngay giữa cuộc sống châu Âu xa lạ này, thật ấm lòng khi tôi được gặp nhiều người đôi mắt chợt long lanh khi nhắc đến hai từ Việt Nam. Họ đã có nhiều kỷ niệm đẹp ở đất nước hình chữ S này. Đó là Jean - làm rể Việt Nam đã hơn 5 năm và hiện là chủ 2 cửa hàng phục vụ thức ăn nhanh gần thành phố Antwerpen của Bỉ. Đó là Tracy người Singapore, từng có 1 năm dạy học tình nguyện ở Bắc Giang. Đó là Benny, đầu bếp chuyên nghiệp, luôn miệng tấm tắc “Việt Nam à, món ăn tuyệt lắm”...
Trong một chuyến du lịch đến Hà Nội 5 năm trước đây, Jean đã phải lòng ngay cô gái Việt ra đón đoàn ở sân bay Nội Bài. Từ đó, năm nào vợ chồng anh cũng mang 2 con gái về Việt Nam 1- 2 lần. Anh hào hứng kể: “Ai cũng bảo khó lái xe ở Việt Nam vì giao thông rất khác so với châu Âu, nhưng tôi vẫn thuê xe rồi tự lái xuyên Việt. Tôi cho rằng khi bạn đã hiểu văn hóa Việt, bạn cũng sẽ tự tin hơn khi cầm tay lái”. Mỗi lần về thăm Việt Nam, anh cũng không quên đi lòng vòng tìm quán phở ngon, hàng nộm bò khô giữa khu 36 phố phường đông đúc.
Đã sống ở Bỉ hơn 10 năm nhưng Tracy lại coi Việt Nam chính là quê hương thứ hai của mình (cô sinh ra ở Singapore), bởi kỷ niệm 1 năm làm giáo viên tình nguyện tại Bắc Giang vẫn còn tươi rói. Khá lâu chưa có dịp quay lại Việt Nam nhưng Tracy vẫn nói được nhiều câu tiếng Việt.
Tracy kể: “Hồi tớ dạy học ở Bắc Giang, người dân còn nghèo lắm, nhưng họ lúc nào cũng vui vẻ và tốt bụng. Vào chơi nhà ai cũng được mời ở lại ăn cơm. Nhà khó đến mấy họ cũng không bao giờ gợi ý giúp đỡ về tài chính, chỉ nhờ cô dạy cho con em cái chữ để sau này đời sống của chúng sẽ tốt hơn. Ngày chia tay, có chị mang tặng tớ một thỏi son. Mua một thỏi son ở vùng quê nghèo làm quà tặng chắc chắn chị đã phải tiêu một khoản tiền lớn. Thỏi son ấy tớ vẫn giữ làm kỷ niệm”.
Vì yêu Tracy nên Tom (người Bỉ, chồng của Tracy) cũng có dịp đến Việt Nam và lặn lội lên tận Bắc Giang. Đôi mắt anh hấp háy tinh nghịch khi nhớ cái cách mọi người gọi tên anh: “Tôi vừa giới thiệu mình là Tom, mọi người đã ồ lên: Tôm à, ăn được đấy! Giờ tôi vẫn nhớ tên mình theo nghĩa tiếng Việt là một loài hải sản”. Những tháng ngày nhen nhóm tình yêu của Tracy và Tom không chỉ ở Bắc Giang mà còn xuôi về Hà Nội, lang thang ăn uống vỉa hè, thích thú ngắm gánh hàng rong. Tom rất thích ăn hàng rong vì “vừa độc đáo, đơn giản, lại rất ngon miệng”.
Benny, ông chủ một cửa hàng fast food - thức ăn nhanh ở gần thành phố Leuven (Bỉ), đồng thời cũng là đầu bếp nghe bạn bè kể về món ăn Việt ngon nên rất tò mò. Lần đầu được nếm bún bò, hủ tíu, bánh xèo…, cả gia đình Benny cùng bất ngờ: “Rất ngon. Trước chúng tôi chỉ ăn món Hoa hoặc món Thái, ít nghe nói đến món Việt, không ngờ lại lạ, ngon và đậm đà mùi vị, đầu tư nhiều hương liệu trong một món ăn đến thế”. Anh hứa hẹn, thế nào cũng làm chuyến du lịch khắp Việt Nam để tìm hiểu sự khác biệt của món ăn ba miền.
Nhắc đến Việt Nam, Tracy cho biết hè này sẽ trở lại Việt Nam. Cô muốn được thăm lại trường cũ ở Bắc Giang, rồi đi Hà Nội và vào TPHCM vì “tớ chưa được đến TPHCM nên muốn xem đời sống ở đó thế nào, nghe nói nhộn nhịp, sầm uất lắm”.
Còn Jean, tháng bảy này sẽ lại đưa vợ con về Việt Nam để tiếp tục thăm vịnh Hạ Long, ngủ đêm trên thuyền, vào TPHCM, đi tour khám phá chợ nổi và đời sống sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long: “Đi mãi cũng không hết và không chán. Tôi muốn tìm hướng kinh doanh ở Việt Nam để đưa cả nhà về đó ở luôn. Tôi nghĩ nhiều người Việt còn chưa nhận ra chính họ đang có cuộc sống lạc quan, hạnh phúc. Đời sống chưa tiện nghi như ở châu Âu nhưng bù lại rất thoải mái và không quá nhiều áp lực. Tôi thích không khí ở TPHCM, năng động, cởi mở và cũng rất thư giãn; nhiều tiền hay ít tiền đều có cách tiêu pha hợp lý và dịch vụ tương ứng, đó là một cách tận hưởng cuộc sống hạnh phúc”.
KIỀU BÍCH HƯƠNG (từ Bỉ)