Nhọc nhằn “Lều chõng” thời @

Nhọc nhằn “Lều chõng” thời @

Lại thêm một năm cả nhà cùng đi thi. Đối với các bậc phụ huynh, đây là thời khắc quyết định tương lai, hạnh phúc gia đình… Và họ đã dồn hết tâm sức, vốn liếng ky cóp cả năm chỉ để con mình có hy vọng lọt vào số 10% thí sinh đã tốt nghiệp THPT được theo học ĐH. Nhưng liệu giấc mơ có thành hiện thực? Liệu mảnh bằng ĐH có phải là tất cả? Liệu sau này có đủ trang trải những nhọc nhằn mùa thi…?

Làm cả năm dồn cho ngày thi

Nhọc nhằn “Lều chõng” thời @ ảnh 1

TS dự thi vào ĐH KHXH-NV trao đổi sau giờ thi môn Toán. Ảnh: MAI HẢI

Trước cổng Trường THPT Thanh Đa (điểm tuyển sinh của Trường ĐH Luật TPHCM), chị Lê Thị Kim Anh thấp thỏm: “ Không biết con bé nhà chị làm văn có tốt không? Nó học sử tốt lắm nhưng văn thì chị hơi lo”. Giọng chị đứt quãng khi kể lại nỗi khổ tâm “lều chõng thời @”: “Nhà chị ở Đồng Tháp. Bữa hổm chồng chị cắn răng mua lại của hàng xóm cái ĐTDĐ mang theo, để phòng chuyện bất trắc vợ con còn có cái gọi về. Nhưng mới ngủ trọ một đêm, sáng tỉnh dậy đã thấy biến mất. Ai trong 5 người cùng trọ tại cư xá Thanh Đa đã lấy món đồ trị giá cả tấn thóc?”.

Con chị khóc thảm thiết và chị đành phải xin chuyển sang phòng khác chỉ có hai mẹ con ở. Ở có hai ngày rưỡi mà chủ nhà lấy tiền trọ tới 250.000 đồng. Ngóng con ra, chị kể tiếp: “Năm nay mưa nhiều quá, lúa đang vào mùa gặt mà ngã rạp hết. Nhà ít người nên phải thuê người ta gặt, một công phải trả cho họ 150.000 đồng, tính ra cả vụ thu vào cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng nếu gặt không kịp, lúa gặp nước thối đen hết thì coi như trắng tay”.

“Sợ phải cho con đi làm công nhân”. Đó là nỗi lo của chị Trần Thị Nem khi đưa Thùy Phương, cô con gái duy nhất của mình đi thi vào Trường ĐH Mở TPHCM. Chị kể, chồng chị bị dị tật, cả nhà chị phải sống nhờ nồi bánh tráng. “Một ngày làm việc cật lực kiếm được hơn 15.000 đồng à. Nhiều khi khổ quá tính cho con nghỉ học ở nhà phụ việc, nhưng thấy con bé ham học mà thương, không lẽ lại bắt nó phải cả đời ở nhà tráng bánh như mẹ nó?”. 56 tuổi, tóc chị Nem đã bạc hơn một phần ba, thế nhưng vẫn còn phải canh cánh lo cho cô con gái 18 tuổi: “Nó thi đậu vợ chồng chị cũng lo, tuổi già sức yếu biết nuôi con được đến ngày nào…”.

Giấc mơ đại học

Cô Lan (Long An) thì thầm: Con cô hỏi “Nếu con thi đậu cha mẹ cho con học nữa nổi không?”. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào hai công chanh và một mẫu mía. Mấy năm qua, mía, chanh rớt giá liên miên, cuộc sống càng khó khăn. Nhưng dù nghèo cách mấy, con còn muốn học thì cô cũng ráng hết sức lo cho nó ăn học đến nơi đến chốn. Cô chỉ mong nó đậu, được đi học rồi trở thành cô giáo đúng như nó mong muốn.

Cô Năm (Bắc Ninh) đang bị ốm cũng ngồi suốt trước cổng Trường THPT Trưng Vương, chờ đứa con gái thi vào khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, kể: “Con gái cô đáng lẽ đã thi ĐH vào năm ngoái. Nhưng đến ngày thi thì nó đổ bệnh nặng không thi được. Sau đó nó cũng đậu CĐ, học được một học kỳ rồi, có học bổng nữa. Nhưng ước mơ của nó vẫn là vào được trường ĐH”. 

THÚY AN – NGỌC TUYẾT 

Đó đây...

Báo SGGP 12 Giờ tiếp tục tăng thị phần

Tại các điểm thi của hội đồng thi trường ĐH KHXH-NV TPHCM, các sinh viên tình nguyện vừa làm công việc hỗ trợ TS, vừa bán báo: SGGP, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Các bạn cho biết, báo bán chạy nhất vẫn là SGGP 12 Giờ. Chỉ trong buổi chiều qua, riêng các bạn đã bán hết gần 1.000 tờ SGGP 12 Giờ.

Trong khi đó, tại Huế, SGGP 12 Giờ đăng đáp án môn thi Văn khối C, D và môn Sinh của kỳ thi tuyển sinh ĐH lần 2 nên nhiều phụ huynh đang có mặt tại các địa điểm thi của TP Huế “đổ xô” đi mua SGGP 12 Giờ để được nghiên cứu đáp án một cách cặn kẽ. Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, bộ phận phát hành đã tăng số lượng báo bán ra thị trường gấp 5 lần so với ngày thường, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Công an được mang điện thoại vào khu vực thi (?)

Tại điểm thi THCS Nguyễn Công Trứ của hội đồng thi Trường ĐH Hoa Sen TPHCM, một cán bộ công an bảo vệ thi đã mang ĐTDĐ vào khu vực thi. Nhân viên này viện dẫn văn bản của Công an quận Gò Vấp cho phép cán bộ mang ĐTDĐ vào khu vực thi. Văn bản nói trên mang số 45/KH/CAQ (AN) của Công an quận Gò Vấp, ký ngày 27-6-2007, với tên “Kế hoạch bảo vệ kỳ thi ĐH, CĐ 2007 - 2008”.

Huế, Thái Nguyên: nóng quá!

Do thời tiết ở Huế ngày 9-7 nắng nóng và oi bức nên kết thúc buổi thi đầu tiên các TS và người nhà tập kết về 2 bên bờ sông Hương để trốn nắng. Tại các xã Phú Dương, Phú Mỹ (huyện Phú Vang) ngoài việc bố trí 511 chỗ trọ miễn phí, người dân còn tận tình phục vụ bữa ăn bình dân giá rẻ cho TS và người nhà, tạo tâm lý yên tâm để các em tham gia tốt kỳ thi.
Việc mất điện từ 4giờ 30 đến hơn 5giờ sáng, cộng với thời tiết mưa nắng thất thường trong cả ngày thi thứ nhất đã khiến hơn 20.000 TS dự thi vào Đại học Thái Nguyên và người nhà thêm phần mệt mỏi.

ĐH Quy Nhơn: 1 TS quên thi môn Văn

Đó là TS Nguyễn Thị Thúy (Quảng Nam), mang số báo danh DQND1 002295, dự thi vào khối D1 - ngành Việt Nam học (Trường ĐH Quy Nhơn).

Chọn Đại học Phú Yên vì... nhà nghèo

Giống nhiều TS khác, Trần Anh Khoa, cho biết: “Em chọn Đại học Phú Yên vì nhà em nghèo. Thi vào các trường khác, phải đi xa, rất tốn kém mà thi đậu chưa chắc đã đi học được!”.

Một TS ngồi nhầm điểm thi

Trong buổi thi đầu tiên của đợt 2 tại TPHCM, một TS đáng lẽ thi ở Hội đồng thi khu B Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, nhưng em này lại “ngồi nhầm” ở Hội đồng thi khu C. Đến 8 giờ giám thị mới phát hiện ra sai sót này đành chấp nhận cho em hoàn tất bài thi tại Hội đồng thi khu C.

Tin cùng chuyên mục