Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2007 đợt 1 : Không chỉ là suôn sẻ

Cần chuyên nghiệp hơn

Sau hai ngày thi diễn ra khá căng thẳng của gần 50 vạn thí sinh (TS) trong cả nước, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 đã kết thúc. Hầu hết những ai quan tâm đến kỳ thi tuyển sinh năm nay đều chung tâm trạng thở phào nhẹ nhõm. Bởi trong gần 7 năm qua, có thể nói đây là một kỳ thi an toàn, suôn sẻ nhất trên mọi mặt tổ chức, an ninh, giao thông... Đó là những nỗ lực của Bộ GD-ĐT được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới đầy bức thiết nhằm hướng đến một kỳ thi gọn gàng, hiệu quả cho xã hội thì vẫn còn nhiều điều phải bàn…

Cần chuyên nghiệp hơn

Trước kỳ tuyển sinh, dư luận xã hội luôn băn khoăn khi tỷ lệ TS thi rớt trong đợt thi tốt nghiệp THPT năm nay lên gần 400.000 TS, dẫn đến việc các trường ĐH, CĐ trong cả nước sẽ lãng phí đến hàng chục tỷ đồng cho việc thuê mướn phòng thi cho số TS “ảo” này. Nhưng trên thực tế, kết thúc đợt 1 kỳ thi ĐH, CĐ 2007, cả nước có 451.413 TS đến dự thi/tổng số 763.828 TS đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 70,88%, và so với năm 2006 tỷ lệ này chỉ giảm 2%. Như vậy, mối băn khoăn của xã hội đã được giải tỏa khi số TS dự thi ĐH năm nay đã được tuyển chọn từ một kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra nghiêm túc trước đó. Một cán bộ là giảng viên ĐH nhận xét: Mùa thi năm nay, không còn thấy những cảnh sĩ tử áo phanh ngực, miệng phì phèo khói thuốc và câu chửi thề…

Cũng trước kỳ tuyển sinh, dư luận bàn tán về: hồ sơ “ảo”, TS “ảo”, đó là hai nỗi ám ảnh thường trực của mỗi trường trong mùa tuyển sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ TS đến dự thi thực tế năm nay không giảm, một mặt công tác tư vấn tuyên truyền tuyển sinh đã được đẩy mạnh, mặt khác TS ngày càng ý thức hơn việc đăng ký dự thi nên tình trạng một TS làm hồ sơ “ảo” gửi vào 5-6 trường ĐH, CĐ để dự phòng như mọi năm đã được giảm hẳn.

Tuy nhiên, số liệu thống kê tuyển sinh cho thấy từ năm 2000 đến 2007, bình quân mỗi năm vẫn duy trì trên 300.000 hồ sơ “ảo”, và 30% TS “ảo” không đến trường dự thi. Một thực tế không lấy gì làm hài lòng cho công tác tổ chức tuyển sinh nhưng vẫn phải chấp nhận tồn tại dai dẳng. Công tác tuyển sinh vẫn chưa… chuyên nghiệp!

Chuẩn đề thi - Bao giờ?

Đề thi của 3 môn thi khối A (toán, lý, hóa), theo đánh giá từ các chuyên gia, đề thi khối A năm nay bám sát chương trình, mức độ phân hóa cao. Nhưng đề nặng so với thời gian làm bài 90 phút của TS. Ngay đề thi môn hóa gồm 50 câu, được phân bố với số câu hỏi lý thuyết 24 câu, số câu hỏi tính toán gồm 26 câu là hơi nhiều so với thời gian thi, nên TS phải thật sự giỏi mới có thể làm bài trọn vẹn.

Hầu hết TS đều cho rằng đề thi “thoạt nhìn thấy có thể câu nào cũng làm được”, nhưng cuối cùng rất nhiều TS làm không hết bài thi. Vì vậy, khả năng qua ba môn thi rất khó đạt điểm cao. Đặc biệt, trong đề thi môn hóa, nhiều TS cho biết đề vừa khó vừa dài, tỷ lệ câu hỏi khó nhiều hơn câu hỏi dễ. Rất nhiều TS bỏ bài làm ra về khá sớm.

Dư luận cũng nhiều ý kiến khen chê, cho rằng đề thi ĐH chưa đo lường được đúng trình độ của người thi mà cơ sở đào tạo cần. Và, một chuyên gia của Bộ GD-ĐT bức xúc: Đề dễ - kêu mà đề khó cũng… kêu! Vậy, bao giờ bộ mới có thước đo cho một đề thi chuẩn để dư luận hết… kêu!

Giải pháp tuyển sinh hiệu quả

Nhiều năm qua, có thể thấy Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều cải tiến lớn trong mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm rút giảm chi phí tốn kém cho xã hội. Trong đó, có cải tiến toàn diện kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo lộ trình từ năm 2001 đến 2007. Thế nhưng, nhìn lại quá trình với ngần ấy thời gian và bao nỗ lực, mức lãng phí của xã hội trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ ấy vẫn không hề giảm. Hàng năm có từ 1 triệu đến 1,2 triệu TS có nhu cầu đăng ký dự thi ĐH, CĐ nhưng số chỉ tiêu tuyển chỉ dao động trên 100.000 TS. Tức là hàng năm có khoảng 900.000 đến 1 triệu TS (chiếm 90%) số TS bị loại ra sau kỳ thi ĐH. Trong điều kiện ấy, tác động của quy luật cung cầu vẫn không thay đổi. Áp lực tâm lý vẫn quá lớn đối với TS, và công tác tổ chức tuyển sinh vẫn còn rất khó khăn, nặng nề.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên tổ chức 1 kỳ thi vào ĐH, CĐ, nhưng xem ra ngành chức năng chưa có phản ứng gì. Còn nữa, giải pháp phân luồng TS ngay từ THCS và phân tầng ĐH, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm giải quyết “khúc eo” nhu cầu học tập đại trà như hiện nay – vẫn chưa được quan tâm?

Tất cả còn… ở phía trước.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục