Bỏ qua điều kiện làm việc thuận lợi ở nước ngoài, nhiều trí thức trẻ trở về thành lập các nhóm nghiên cứu của riêng mình, cống hiến tri thức cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của TPHCM. Tuy nhiên, do thiếu những điều kiện hỗ trợ cần thiết nên số lượng nhóm nghiên cứu trẻ hoạt động và thành công chưa được như kỳ vọng.
Cống hiến sức trẻ
PGS-TS Lê Thị Lý (sinh năm 1978) là một trong số những trí thức trẻ quyết định trở về Việt Nam sau khi đã đạt học vị tiến sĩ và có nhiều cơ hội làm việc tại Mỹ. Sau hơn 5 năm về nước, Lê Thị Lý đã gây dựng được một nhóm nghiên cứu khá mạnh về sinh học tại Trường Đại học (ĐH) Quốc tế. Cùng các cộng sự của mình, cô đã thực hiện hàng loạt đề tài nghiên cứu về tiến hóa của virus cúm A và các họ protein liên quan đến bệnh đái tháo đường loại II. Đến nay, nhóm của Lý đã có trong tay hơn 30 công bố quốc tế trên các tạp chí Plos Computational Biology, PloSONE, Biology Direct, Medicinal Chemistry Research, Molecules…, đồng thời được một số tạp chí có uy tín như Nature mời phản biện và Current Pharmaceutical Design mời làm biên tập viên cho những công trình cùng lĩnh vực nghiên cứu.
Đặc biệt hơn, trên cương vị trưởng nhóm nghiên cứu, PGS-TS Lê Thị Lý đã hướng dẫn sinh viên thực hiện thành công 12 bài báo đăng trên các tạp chí ISI. Từ những thành tích nghiên cứu này, có 5 sinh viên của Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Quốc tế) đã xuất sắc giành được học bổng tiến sĩ tại các trường ĐH danh tiếng thế giới, như: Cornell University (Mỹ), University of Paris XI (Pháp), University of Melbourne (Úc), SISSAI (Ý)...
Lấy bằng tiến sĩ khi vừa tròn 30 tuổi, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mời gọi nhưng TS Phạm Văn Phúc (sinh năm 1977) đã từ chối và quyết tâm theo đuổi đam mê tại phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. TS Phúc nhớ lại những năm cuối đại học, anh và một người bạn trong lớp đã đến xin làm việc tại phòng thí nghiệm của thầy Phan Kim Ngọc. Ban đầu, cả 2 chỉ phụ giúp các nhóm nghiên cứu. Sau này, khi được hỗ trợ tách thành một nhóm riêng, Phúc cùng cộng sự đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu và biệt hóa thành công tế bào gốc thành tế bào mỡ, điều trước đây chưa ai làm được. Từ thành công ban đầu ấy, TS Phúc cùng nhóm của mình đã có 8 công trình nghiên cứu được ứng dụng thực tế trên người, gồm 5 sản phẩm chăm sóc da và 3 sản phẩm sử dụng điều trị bệnh cơ xương khớp.
Vẫn thấy bơ vơ
Dễ nhận thấy, các viện, trường đại học là những nơi có nhiều thuận lợi nhất để những nhóm nghiên cứu trẻ được hình thành và phát triển. Bên cạnh PGS-TS Lý hay TS Phúc, các nhóm nghiên cứu khác cũng đã tạo được chỗ đứng trong giới khoa học của TPHCM như: TS Nguyễn Bá Hải (sinh năm 1983), Trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm Robot sinh học, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; TS Trương Vũ Thanh (sinh năm 1984), Trưởng nhóm nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa hay TS Vũ Thị Hạnh Thu, Trưởng nhóm nghiên cứu vật liệu màng mỏng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM…
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trẻ thừa nhận, việc lập ra nhóm nghiên cứu phải tạo ra được những tri thức mới. Nhưng trước khi nghĩ đến điều đó, bản thân họ phải vật lộn với hàng trăm thứ khó. Ví như chuyện những trí thức trẻ học tập và làm việc ở xứ người, đa số chẳng biết liên lạc với mạng lưới các nhà khoa học nào trong nước để tìm kiếm cơ hội trở về; trong khi các diễn đàn khoa học tự phát trên mạng thì “đóng cửa” sau 1 - 2 năm thảo luận. Ngay đến cả website của các viện trực thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cũng chẳng mặn mà cập nhật thông tin.
Đó mới là chuyện tính về hay ở. Còn khi đã trở về, điều kiện vật chất, kinh phí dành cho nghiên cứu, nâng cao trình độ cũng là nỗi lo lớn không kém. PGS-TS Lê Thị Lý từng chia sẻ rằng: Có người sau nhiều lần xin tài trợ của Quỹ NAFOSTED không thành, đem chính đề tài đó đi nộp ở một quỹ nghiên cứu nước ngoài lại nhận được tài trợ. Một trường hợp khác còn buồn hơn, sau khi đề tài bị đánh trượt lại có tin một nhóm nghiên cứu khác đang bắt tay làm vấn đề hoàn toàn giống như những gì mình đã đề xuất. Những câu chuyện góp nhặt không vui của từng bạn trẻ cũng khiến các bạn trẻ khác cảm thấy hoang man, chán nản. Và như thế, nỗi lo mất người giỏi ở các nhóm nghiên cứu ngày càng rõ hơn.
Nhà khoa học trẻ cần được hỗ trợ trong nghiên cứu khoa học
Theo TS Phạm Văn Phúc, thách thức lớn cho việc xây dựng các nhóm nghiên cứu trẻ hiện nay chính là thiếu lòng tin của thế hệ đi trước, của xã hội… Mặc dù đội ngũ nhà khoa học ở nước ta đang được trẻ hóa nhanh trong thời gian gần đây; tuy nhiên, họ luôn được đánh giá còn thiếu kinh nghiệm và ít được “trọng dụng” hay hạn chế được có ý kiến quan trọng trong các diễn đàn KH-CN. Không được tin tưởng trong nước, sự phát triển của thế giới quá nhanh khiến đội ngũ nhà khoa học trẻ rơi vào sự “cô đơn” và dẫn đến sự “cô lập” trong KH-CN của thế giới.
Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có các nhóm nghiên cứu trẻ, chính là xương sống để phát triển năng lực KH-CN nước nhà. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các nhà khoa học trẻ, cấp quản lý về KH-CN cũng cần hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và thông tin khoa học; tạo cơ chế đặt hàng nghiên cứu thường xuyên; hỗ trợ phát triển năng lực của các nhà nghiên cứu. Đặc biệt, các cơ chế xét duyệt đề tài, kinh phí, chính sách khen thưởng phải minh bạch và công khai… mới tạo được đòn bẩy cho các nhóm nghiên cứu trẻ hiện nay.
TƯỜNG HÂN