Nhức nhối nạn ăn cắp điện

Hơn 200.000 gia đình được bình chọn là gia đình tiết kiệm điện vừa qua là một nỗ lực lớn của người dân và chính quyền TPHCM trong việc thực thi tiết kiệm. Tuy nhiên, ngược với nỗ lực đáng trân trọng trên, vẫn còn một góc tối trong tiêu thụ và sử dụng điện: nạn ăn cắp điện!
Nhức nhối nạn ăn cắp điện

Hơn 200.000 gia đình được bình chọn là gia đình tiết kiệm điện vừa qua là một nỗ lực lớn của người dân và chính quyền TPHCM trong việc thực thi tiết kiệm. Tuy nhiên, ngược với nỗ lực đáng trân trọng trên, vẫn còn một góc tối trong tiêu thụ và sử dụng điện: nạn ăn cắp điện!

Góc tối

Vụ việc mới xảy ra vào chiều ngày 20-9 tại nhà số 30/7 đường Lò Siêu, phường 16 quận 11. Trước sự chứng kiến của chủ hộ và chính quyền địa phương, đội kiểm tra điện kế của Công ty Điện lực Phú Thọ tiến hành kiểm tra điện kế đặt trong nhà khách hàng. Kết quả: một mặt chì hộp bảo vệ bị soi lỗ, mặt chì biến dạng. Kiểm chứng điện kế tại chỗ, kết quả điện kế chạy chậm 49,9%. Tiếp tục cắt 2 viên chì hộp số để kiểm tra bên trong điện kế, cuộn dây dòng của điện kế đã bị nối tắt, làm cho điện kế chạy chậm lại.

Theo bản kê công suất thiết bị điện của chủ hộ, nhà có tới 6 máy lạnh, 2 máy nước nóng, chưa kể phòng xông hơi, tủ trữ lạnh và nhiều thiết bị khác... nhưng lượng điện tiêu thụ hàng tháng (trước khi bị kiểm tra) chỉ có... vài trăm kWh! Theo tính toán của Điện lực Phú Thọ, lượng điện thất thoát tại nhà nói trên lên đến 38.000 kWh, quy thành tiền truy thu khoảng hơn 100 triệu đồng.

Tương tự, ngày 31-8, Công ty Điện lực Gia Định đã tiến hành lập biên bản tại hộ số 326 Nơ Trang Long (Bình Thạnh), cũng dùng hình thức phá niêm chì, tác động để điện kế chạy chậm. Đây là hộ sử dụng điện mục đích sinh hoạt với khoảng 10 máy lạnh, 4 máy nước nóng và hơn 20 loại thiết bị điện khác nhưng trước đây hóa đơn tiền điện chỉ ở mức 700 - 900 kWh/tháng. Số lượng điện năng bị thất thoát, ước tính lên đến 55.000 kWh, hơn 100 triệu đồng.

Trước đó, ngày 11-8, Công ty Điện lực Gia Định đã phát hiện hộ số 47 Thích Quảng Đức kinh doanh internet đã sử dụng hình thức nối tắt cuộn dòng để điện kế chạy chậm. Tổng số điện năng truy thu lên đến gần 90.000 kWh với số tiền phải nộp là hơn 337 triệu đồng!
 
Con số vụ việc ăn cắp điện bị phát hiện cứ tăng dần. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2011, Điện lực Phú Thọ phát hiện và lập biên bản 67 vụ; Điện lực Tân Bình phát hiện 50 trường hợp; Điện lực Gia Định 106 vụ... Còn theo con số thống kê ước tính của Tổng Công ty Điện lực TPHCM, 8 tháng đầu năm, ngành điện lực đã truy thu 947 trường hợp với số tiền lên đến 15,4 tỷ đồng.
 

Thiết bị nối tắt dòng để điện kế quay chậm.

Thiết bị nối tắt dòng để điện kế quay chậm.

Lờn thuốc?

Phát hiện những trường hợp ăn cắp điện, với hệ thống đo đếm hiện nay của ngành điện, là việc không khó. Cái chính là cần có những biện pháp chế tài thích đáng. Ông Trần Xuân Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Định, cho rằng để chống tình trạng ăn cắp điện hiện nay, thành phố cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt. “Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân để góp sức đấu tranh với những trường hợp ăn cắp điện”, ông nói.

Hiện nay, nhiều kẻ xấu đã đến hộ gia đình để dụ bán thiết bị gọi là “tiết kiệm điện” nhưng thực chất là thiết bị để ăn cắp điện. Nổi lên trong thời gian gần đây là một số hộ đã sử dụng nam châm có từ tính mạnh bán ngoài thị trường để làm điện kế quay chậm. Một chuyên gia ngành điện cho biết, loại nam châm này có từ tính cực mạnh, khi sử dụng có thể ảnh hưởng đến các thiết bị trong nhà và không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Thực tế chứng kiến tại các đội kiểm tra điện kế cho thấy, nhiều cán bộ xử lý phải vất vả mới có thể tách 2 thanh nam châm rời ra.
 
Về mặt pháp luật, ngoài việc truy thu và xử phạt hành chính, các trường hợp ăn cắp điện vẫn chưa bị xử lý nghiêm minh để răn đe. Ngay cả việc truy thu, theo điều 28 của Quyết định 31 của Bộ Công nghiệp, số ngày tính truy thu “không quá 12 tháng” khiến cho các hộ vi phạm “lờn thuốc”. Có lẽ vì vậy, có nhiều trường hợp đã bị lập biên bản đến hai lần trong 1 năm vẫn “chưa ngán”.

Một vấn đề khác, nhiều lãnh đạo điện lực khu vực cho biết, theo quy định, nếu số điện năng thất thoát trên 3.000 kWh phải chuyển cơ quan điều tra khởi tố nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị pháp luật “rờ gáy”!

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục