Hôm nay, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội

Những bức xúc của cử tri gửi gắm tới Quốc hội

Những bức xúc của cử tri gửi gắm tới Quốc hội
Những bức xúc của cử tri gửi gắm tới Quốc hội ảnh 1

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường.

Một bản tập hợp chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã• được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Có 168 chất vấn liên quan đến lĩnh vực phụ trách của 31 người đứng đầu các cơ quan Nhà nước. Có 6 thành viên Chính phủ nhận được 10 chất vấn trở lên, trong đó Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là người nhận được nhiều nhất với 19 chất vấn.

  • Bao nhiêu người mua nhà công vụ theo Nghị định 61?

Đó là câu hỏi do ĐB Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) đặt ra và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời hướng giải quyết đối với những người đã mua nhà công vụ theo Nghị định 61/CP với giá rẻ như cho. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thẳng thắn: “Dư luận thời gian qua rất bất bình về việc một số cán bộ lợi dụng chức quyền, cấu kết với nhau biến nhà công vụ thành nhà tư. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm như thế nào trong việc này và trong việc không tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chuẩn, nhà công vụ?”.

Cũng về vấn đề nhà công vụ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhận được câu hỏi chất vấn của ĐB Đỗ Tiến Dũng (Quảng Ngãi): “Cử tri phản ánh một số cán bộ lợi dụng nhiệm vụ được giao trong việc bán hóa giá nhà thuộc sở hữu Nhà nước để trục lợi. Thực trạng phản ánh trên có đúng không? Mức độ xảy ra tại các địa phương thực hiện việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước và đã•gây thiệt hại bao nhiêu? Bộ trưởng có biện pháp giải quyết như thế nào để hạn chế việc gây thiệt hại tài sản của Nhà nước được phép bán hóa giá?”.

Cùng nhiều vấn đề khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy nhận được những câu hỏi không thuộc lĩnh vực... ông phụ trách, đó là nhà công vụ. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chất vấn: “Nhà công sở bị biến thành nhà tư. Trách nhiệm của Thống đốc đến đâu?”.

  • Phải làm gì để hạn chế những bất cập trong cải cách hành chính?

ĐB Néang Kim Cheng (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, tính quan liêu còn nặng, công việc chồng chéo, trách nhiệm không cụ thể, thủ tục còn rườm rà... dẫn đến kém hiệu quả, chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước. Bộ trưởng vui lòng cho biết những nguyên nhân của việc trì trệ trên và những giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với công tác cải cách hành chính hiện nay?”.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhận được câu hỏi chất vấn của ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang): “Theo sự đánh giá của Phó Thủ tướng thì cán bộ, đảng viên, viên chức, nhất là cấp ủy, bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng thực sự đồng lòng trong hành động chống tham nhũng trong địa phương, trong ngành chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm? Và làm gì để tổ chức Đảng, cơ quan và người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan, bộ trưởng thực sự đồng lòng chống tham nhũng trong hành động?”.

Một câu hỏi khác được ĐB Đỗ Trọng Ngoạn đặt ra với Tổng Kiểm toán Nhà nước: “Trong số hơn 4.400 tỷ đồng mà tổng kiểm toán gọi là lãng phí khi kiểm toán ở một số bộ, địa phương, tổng công ty, đề nghị tổng kiểm toán cho biết lãng phí là bao nhiêu? tham ô là bao nhiêu? bất khả kháng là bao nhiêu? Tôi đề nghị phải thu hồi lại số bị tham ô, thất thoát”. ĐB Đỗ Trọng Ngoạn hỏi tiếp: “Trong số tổng công ty làm ăn bị lỗ vốn, có khả năng phá sản, vậy lỗ vốn do bất khả kháng là bao nhiêu? lỗ vốn do quản lý kém, bộ máy hoạt động kém hiệu quả là bao nhiêu? lỗ vốn do tham ô là bao nhiêu? Có cần phải thu hồi lại số vốn bị tham ô và xử lý trách nhiệm?”.

ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cùng một câu hỏi: “Thời gian qua, tình trạng đất “của dân” trở thành đất “của quan”, bị chiếm dụng, sử dụng lãng phí, thất thoát. Trách nhiệm đó thuộc về ai? Phải làm gì để quản lý có hiệu quả khối tài sản có giá trị vô cùng lớn này?”.

Trong khi đó, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Thủ tướng hãy đánh giá nguyên nhân gây ra quy hoạch treo – sự tác hại về kinh tế, đời sống của dân; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của Thủ tướng và sẽ xử lý như thế nào?”. 

THANH BÌNH