Những chiếc cầu chờ sập

Rùng mình cầu Đồng Nai
Những chiếc cầu chờ sập

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, có không ít chiếc cầu cũ kỹ trở thành mối hiểm họa rình rập người tham gia giao thông. Những khi ùn tắc giao thông, nhiều xe phải dừng lại chen kín trên những chiếc cầu này, vượt quá tải trọng khiến nguy cơ sập cầu càng dễ xảy ra.

Dù đã xuống cấp nặng, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, cầu Rạch Đỉa 1 vẫn đông đúc người qua lại.

Dù đã xuống cấp nặng, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, cầu Rạch Đỉa 1 vẫn đông đúc người qua lại.

Rùng mình cầu Đồng Nai

Cầu Đồng Nai (trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Đồng Nai, nối Biên Hòa và Dĩ An, trục giao thông huyết mạch dẫn vào TPHCM) được xây dựng từ năm 1964, đến nay đã tròn nửa thế kỷ nên xuống cấp nặng. Cầu Đồng Nai mới đang được thi công, nhưng trong thời gian này xe cộ vẫn phải qua cầu cũ. Cầu Đồng Nai chỉ 4 làn đường, nhưng có hơn 44.000 lượt xe qua cầu mỗi ngày nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe ngay trên cầu, có khi kẹt hàng giờ. Mặc dù biển báo ở dốc cầu Đồng Nai đã quy định khoảng cách giữa 2 xe phải 4m, tải trọng không quá 30 tấn, nhưng mỗi khi kẹt xe là hàng loạt xe tải, xe container, xe khách… nối đuôi nhau từ 2 hướng nhích từng chút trên cầu, không còn giữ được khoảng cách giới hạn và quá khả năng chịu lực của chiếc cầu cũ kỹ. Đã không ít lần các tài xế gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh với giọng không bình tĩnh khi đang kẹt xe trên cầu lại thấy mặt cầu rung chuyển nhẹ rồi rung bần bật.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ quận 9, TPHCM) kể: “Đi làm, mỗi ngày tôi phải qua đây 2 lần thật là ám ảnh. Mỗi lần qua cầu Đồng Nai tôi phải luồn lách vội vàng chạy xe thật nhanh. Từ khi một bên cầu (hướng đi vào Sài Gòn) được chặn để sửa chữa thì bên kia cầu trở nên quá tải. Mọi khi đi cả hai bên cầu đã rung chuyển nhẹ, giờ có một bên cầu mà phải chịu tải trọng cả 2 làn xe khiến cầu rung mạnh hơn. Nguy hiểm nhất là mỗi khi kẹt xe, cầu rung chuyển mạnh cứ như sắp sập”.

Cầu mới ế, cầu cũ đắt

Không chỉ ở Đồng Nai, ngay trên địa bàn TPHCM cũng đang có nhiều cầu cũng trong tình trạng có nguy cơ sập vì quá tải, kẹt xe, như cầu Bình Lợi (chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn, đã xây dựng 111 năm), cầu Đúc Nhỏ (quận Thủ Đức), cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), nhiều chiếc cầu sắt ở huyện Nhà Bè… Cũng đã có một số cầu mới được xây dựng để thay thế những cầu cũ đã xuống cấp. Nhưng cầu Nhị Thiên Đường mới được xây dựng với mặt cầu quá hẹp nên cầu cũ vẫn phải dùng cho làn đường xe máy chiều đi Cần Giuộc. Còn cầu Bình Lợi mới nằm trên đường Phạm Văn Đồng vừa được đưa vào sử dụng, dù rất rộng và đẹp nhưng lối qua cầu mới không tiện đường nên nhiều người vẫn sử dụng cầu sắt Bình Lợi cũ, mặc dù cầu hẹp và không an toàn, nhiều miếng sắt trên bề mặt cầu này đã bị rạn nứt, mòn đến nỗi thủng lỗ. Đáng sợ nhất là những lúc tàu hỏa qua cầu, càng khiến cầu rung chuyển mạnh.

Tương tự, các cầu mới trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) cũng không thay thế được 4 chiếc cầu sắt Rạch Đỉa, Long Kiển, Rạch Tôm, Rạch Dơi trên tuyến đường Lê Văn Lương đã xuống cấp nặng. Những chiếc cầu mới nằm trên tuyến đường chạy qua những khu đất trống, xa khu dân cư nên luôn vắng vẻ đìu hiu. Người dân vẫn chọn 4 chiếc cầu sắt cũ kỹ để lưu thông do đường qua cầu cũ đi lại thuận tiện, gần khu dân cư hơn. 4 chiếc cầu sắt cũ đã gỉ sét, chỉ rộng gần 4m, chỉ cần 2 xe du lịch cùng lúc qua cầu từ 2 hướng là xảy ra ùn tắc ngay. Các xe máy sẽ dồn lên kẹt cứng và cầu lập tức bị rung chuyển mạnh. Chị Hà Ngọc Vân (đường Lê Văn Lương) bức xúc: “Những cầu mới được xây dựng quá xa khu dân cư, đường vắng vẻ, người dân sợ gặp kẻ cướp nên chẳng đi. Trong khi đó, những chiếc cầu sắt cũ dẫn vào khu dân cư lại không được đầu tư nâng cấp”.

  • Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè

"Do các cầu sắt cũ trên đường Lê Văn Lương vẫn thuận tiện cho người dân ở các khu dân cư lưu thông nên UBND huyện vừa cùng với Sở GTVT TPHCM đưa ra phương án nâng cấp những cầu sắt cũ nhằm đảm bảo an toàn lưu thông. Hai cây cầu có lưu lượng giao thông qua lại lớn là cầu Rạch Đỉa và Long Kiển sẽ được nâng cấp trước, cầu Rạch Tôm đang được lên phương án, còn cầu Rạch Dơi do có một bên của tỉnh Long An nên đang liên hệ để phối hợp cùng sửa chữa"

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục