“Sao mày không trang điểm. Diện lên, phụ nữ là phải diện chứ!”. Lần nào gặp nhau nơi quán nước, những cô bạn học cũ cũng khuyên tôi nên thế. Tôi chỉ cười buồn, nói cho qua chuyện: “Đi với tụi mày thì trang điểm cho ai ngắm”. “Ơ, thì cho đàn ông ngắm chứ ai ngắm. Tụi mình ngồi bàn này, nhưng đàn ông ở bàn khác, họ ngắm”. Một cô bạn nói thế rồi cười phá lên và tiếp tục líu lo chuyện trò. Tôi không thích kiểu nói chuyện giỡn hớt và có phần lẳng lơ như thế, vậy nhưng rồi tôi nhìn lại mình, thấy bản thân thật xuề xòa, đáng chán giữa những cô bạn yêu đời và xinh đẹp quá.
Tôi là giáo viên, ngày ngày xong việc từ trường về là quần quật giữa bề bộn việc nhà. Làm cơm, chăm con ăn, rửa dọn, quét tước, dạy con học, cho con ngủ… Trong khi đó, chồng tôi, một doanh nhân, lại luôn thong dong đạo mạo. Anh luôn giữ vẻ lạnh lùng từ lời nói, ánh mắt và cách xử sự với vợ. Anh thoải mái bù khú với bạn bè bên ngoài, về đến nhà đã sẵn cơm ngon canh nóng, người lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ. Tôi nhiều lần ý nhị đề nghị vợ chồng cùng gánh vác, chia sẻ việc nhà. Nhưng mỗi lần như vậy, anh đều cáu gắt: “Việc nhà, anh muốn làm thì quá dễ. Nhưng anh làm thì còn gì để nói nữa, ai là chồng, ai là vợ trong cái nhà này?”. Sợ vợ chồng lời tiếng qua lại thì ảnh hưởng không hay đến con gái nên tôi vẫn nín nhịn cho qua chuyện.
Một tối nọ, xem xong chương trình 60 giây, chồng tôi thay chiếc quần jeans và áo phông thơm tho, chải đầu tóc thẳng mượt, dắt xe đi chơi tối cùng bạn bè như thường lệ. Con gái 9 tuổi ngồi cặm cụi làm toán, bất chợt ngẩng lên nhờ mẹ giảng bài, hồn nhiên nói: “Mẹ ơi, sao mặt mẹ bơ phờ và tóc tai bù xù vậy?”. Câu hỏi của con gái khiến tôi không ngăn được dòng nước mắt lăn dài. Tôi đau đớn nhận ra, mình không còn là cô gái sắc vóc luôn yêu đời, tự tin như thời còn son rỗi, thay vào đó là một người vợ lùi xùi, sống khép mình. Thương mình bao nhiêu, tôi trách mình bấy nhiêu. Đêm hôm ấy tôi nằm thao thức, nhìn lại quãng thời gian hơn chục năm lấy chồng đã qua, tôi không sao lý giải được tại sao mình lại để bản thân “xuống cấp” đến như thế. Không. Tôi phải thay đổi.
Tôi không có nhiều bạn, hàng xóm thì không chơi với ai. Buồn quá, tôi gọi điện cho Nhung, tuy không thân nhưng là người mà tôi có cảm giác tin tưởng nhất trong đám bạn gái cũ. “Mày phải đẹp, đẹp từ trong ra ngoài”, Nhung cười và nói như thế sau khi nghe tôi tâm sự. Nhờ Nhung tư vấn, tôi bắt đầu sắm vài chiếc đầm mới, chiếc quần jeans ôm khỏe khoắn, rồi giày cao gót, những chiếc áo sáng màu hơn, một ít dụng cụ trang điểm. Mái tóc của phụ nữ 2 con giờ đã rụng đi nhiều, không còn dày và bóng mượt như xưa. Không sao, tôi tra Google “thin hair” (tóc mỏng) và chọn được nhiều kiểu ưng ý, thế là xoay vần kiểu nọ rồi kiểu kia. Tôi đăng ký tập gym 3 ngày một tuần, những ngày còn lại tôi theo Nhung ra công viên nhảy aerobic, vừa khỏe, vui và có thêm bạn mới.
Tôi dần tự thấy mình sinh động, vui tươi hơn. “Tao phải làm gì khi mỗi lần đi chung với tao, ông xã không dán mắt đến những cô xinh đẹp ngoài đường thì lại dán mắt vào điện thoại?”. Nhung bảo: “Ôi, mày ơi, chồng mày nhìn gái đẹp cũng như nhìn tô hủ tiếu thôi, mày cứ nghĩ vậy giùm tao. Thay vì ngồi lăn tăn mấy chuyện đó, mày dành thời gian đọc sách cho tao. Phụ nữ muốn “nguy hiểm” là phải đẹp trong tâm hồn”. Tôi dần đọc sách nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn, lòng như được tưới tắm. Sách quả là sự cứu rỗi lớn lao cho tâm hồn khô cằn và nhạt nhẽo của người đàn bà chỉ biết việc nội trợ là tôi.
Tôi bây giờ khác hẳn tôi của 2 năm trước. Chồng tôi đã không còn lạnh lùng tự bao giờ. Tôi thấy trong ánh nhìn của anh thường xuyên vẻ ấm áp, tự hào và đôi khi thoáng ngạc nhiên lẫn si mê. Ôi chao, cuộc sống thật là ngộ, khi ta buông không vồ vập nữa mà tìm sự cân bằng ở một niềm vui khác thì hạnh phúc gia đình lại tự quay về. Có được điều này tôi phải cảm ơn những cô bạn gái thật nhiều, họ quả là “nguy hiểm”!
Hồ Liễu (thilieuho…@)