Những dấu ấn nổi bật qua các kỳ Đại hội Đảng

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 11 kỳ đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng gắn với những nhiệm vụ chính trị khác nhau, nhưng đều hoàn thành sứ mệnh là đánh giá lại chặng đường đã qua và vạch ra chiến lược để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Những dấu ấn nổi bật qua các kỳ Đại hội Đảng

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 11 kỳ đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng gắn với những nhiệm vụ chính trị khác nhau, nhưng đều hoàn thành sứ mệnh là đánh giá lại chặng đường đã qua và vạch ra chiến lược để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

* Mùa xuân 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng được tổ chức vào tháng 3-1935 có vai trò rất quan trọng vì đã vạch ra con đường đấu tranh để nước ta giành độc lập, đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Đảng là củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng; chống chiến tranh đế quốc.

* Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang trong bối cảnh mới: sự hình thành và lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa đã làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng trên trường quốc tế có lợi cho hòa bình và cách mạng. Đại hội II có ý nghĩa lịch sử khi đưa ra những quyết sách để nước ta giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Dấu ấn của Đại hội này là phát huy đến mức cao nhất sự thống nhất toàn dân, do vậy Đảng đã đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, hướng vào một mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc.

* Đại hội III của Đảng diễn ra vào tháng 9-1960 tại thủ đô Hà Nội. Trong lời khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Đại hội xác định nhiệm vụ chung của cả nước là tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

* Những quyết sách đúng đắn của 3 kỳ đại hội trên đã giúp Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Tháng 12-1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã được tổ chức ở thủ đô Hà Nội - được xem là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là Đại hội tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội IV quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Tháng 3-1982, Đại hội V của Đảng được tổ chức ở thủ đô Hà Nội. Đại hội nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời xác định rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ chiến lược này trong tình hình mới.

* Một kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Đại hội lần thứ VI của Đảng, diễn ra vào tháng 12-1986. Đây là Đại hội quyết định đường lối và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm, đổi mới tư duy lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội đề ra đường lối đổi mới. Trong đó, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công - nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Về xây dựng Đảng, Đại hội xác định: đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng. Đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý. Đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng.

* Đại hội lần thứ VII của Đảng diễn ra vào tháng 6-1991 tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Cương lĩnh xác định quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Đây là lần đầu tiên Đại hội thông qua Cương lĩnh, vạch ra quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

* Tháng 7-1996, Đại hội lần thứ VIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm còn lại của thập kỷ 90. Trong đó, đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; nâng cấp, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới có trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế... Đại hội cũng khẳng định, xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới là một vấn đề có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng trên con đường đổi mới.

l Đại hội lần thứ IX của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội vào tháng 4-2001, đúng vào thời điểm thế kỷ 20 vừa kết thúc, mở đầu thiên niên kỷ mới. Đại hội hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, mục tiêu tổng quát là: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

l Tháng 4-2006, Đại hội lần thứ X của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội. Đại hội chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

* Tháng 1-2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng được tổ chức ở thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đại hội đặt ra nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 11 kỳ Đại hội, Đảng ta đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, giành được những thắng lợi hết sức to lớn, chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng, Đại hội XII của Đảng sẽ tiếp tục đưa ra được những chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đổi mới về tư duy, đặc biệt sẽ chọn được những nhân tố đủ tài, có tâm và tầm để lãnh đạo, đưa đất nước đi lên.

HÀM YÊN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục