Chiều 22-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến thi và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013. Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013, Bộ GD-ĐT bổ sung nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế trong năm 2012. Điểm mới nhất là bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường, có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận.
Trao đổi về điểm mới này, PGS-TS Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng bộ nên xem xét lại vì có nhiều điểm rắc rối và phức tạp sẽ nảy sinh. Chẳng hạn 10% số bài thi là rất lớn, ảnh hưởng đến công tác chấm thi và thời hạn công bố điểm thi. Nhiều trường cũng cho rằng việc thành lập ban chấm thanh tra rất tốn kém. Bộ cũng phải quy định phải tổ chức đối thoại với ban chấm thi và kết quả chấm thanh tra phải là kết quả của thí sinh.
Trong năm 2013, quy chế sẽ bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thực kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những cá nhân, đơn vị liên quan nếu để sai sót, không đúng quy định trong công tác chấm thi. Bộ sẽ thành lập Hội đồng chấm thẩm định và tổ chức chấm thẩm định bài thi tự luận, công bố công khai kết quả chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định là kết quả cuối cùng bài thi thí sinh.
Một điểm mới nữa là sẽ bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông là thí sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc đại học. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy.
Đối với 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật Bộ GD-ĐT quy định: các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Văn hóa (khối C), không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của bộ; các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT; các trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật được giao thí điểm thi tuyển sinh riêng xây dựng phương án, trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt trước ngày 31-1-2013 và báo cáo Bộ GD-ĐT.
Về thời hạn xét tuyển, quy chế quy định giao các trường tự chủ, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30-10-2013.
Quy chế tuyển sinh sẽ bổ sung một số chính sách ưu tiên như: tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi olympic khu vực và quốc tế, học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và học sinh thuộc 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 1 năm; các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 1 năm, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương.
Vấn đề được nhiều trường quan tâm đó là chỉ tiêu và cách xác định chỉ tiêu theo Thông tư 57 cũng có nhiều ý kiến bàn luận. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 vẫn giữ ổn định chỉ tiêu CĐ-ĐH hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật.
Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017.
Xung quanh vấn đề điểm sàn, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên xác định lại cho khoa học. PGS-TS Nguyễn Thuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng: Nếu xem điểm sàn là mức tối thiểu để thí sinh đủ khả năng học đại học thì điểm sàn nên bám sát vào đề thi. Điểm sàn như hiện nay là xác định trên tổng chỉ tiêu nên chưa hợp lý. Đồng tình với quan điểm này, đại diện ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng cần phải xem lại chất lượng đề thi. Bởi lẽ, một đề thi trắc nghiệm 50 câu giao cho 10 chuyên gia soạn trong hơn 1 tháng liệu có đánh giá hết năng lực của thí sinh.
Một vấn đề nóng mà các trường đang lo lắng với quy định của Thông tư 57 (xác định chỉ tiêu dựa trên giảng viên cơ hữu và diện tích sử dụng). TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng: Trước Thông tư 57, bộ chưa có bất cứ quy định nào về đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên. Không thể ngủ một đêm dậy là các trường đạt được 25 sinh viên/giảng viên. Do đó, theo ông Danh, Bộ GD-ĐT nên áp dụng quy định này có lộ trình và mục tiêu 25 sinh viên/giảng viên có thể chỉ đạt được trong năm 2020. Hiện nay chỉ có thể ở mức 50 hoặc 40 sinh viên/giảng viên.
THANH HÙNG