Những đóng góp thầm lặng

Tài năng và đạo đức của nhiều nữ công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) TPHCM càng thêm tỏa sáng khi họ âm thầm góp công sức cùng mọi người xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Những đóng góp thầm lặng

Tài năng và đạo đức của nhiều nữ công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) TPHCM càng thêm tỏa sáng khi họ âm thầm góp công sức cùng mọi người xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thầm lặng

Vào ca trực, bác sĩ Vũ Thị Năm, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Trung tâm Phục hồi chức năng TPHCM tất bật thăm, khám bệnh. Những bệnh nhân điều trị tại trung tâm không ai quên hình ảnh nữ bác sĩ nhỏ nhắn dùng hết sức mình nâng đỡ, tập đi cho bệnh nhân bị bại liệt. Mồ hôi của chị đổ ra cũng nhiều như mồ hôi của người bệnh.

15 năm làm việc tại trung tâm, chị Năm chứng kiến nhiều cảnh thương tâm của người bệnh và gia đình. Chị Năm kể, hầu hết bệnh nhân cần phục hồi chức năng đều chịu tổn thương tinh thần do bị sốc sau tai nạn, tuyệt vọng về cuộc sống... Có những bệnh nhân mang hình hài của người lớn nhưng trí tuệ lại không bằng các em nhỏ. Chị nhìn mà xót xa. Lúc này, việc chữa trị càng thêm phần gian nan. Bắt nguồn từ tình thương và lương tâm của người thầy thuốc, chị luôn tận tình, chu đáo trong công việc. Khi người bệnh chống đối bác sĩ, đau đớn khi điều trị, chị luôn bên cạnh để động viên, an ủi.

“Có bạn sau khi biết mình bị liệt đã kích động, chửi bới người nhà và ê kíp chữa trị, thậm chí đòi tự tử. Lúc đó tôi phải kiên trì khuyên bảo và động viên bệnh nhân, mất một chân không có nghĩa là mất cả cuộc đời. Mình cần phải bền bỉ hơn cả người bệnh thì mới có được kết quả điều trị mĩ mãn” - chị Năm tâm sự. Anh Huỳnh Thanh Nam, từng được bác sĩ Năm điều trị, cảm động nói: “Nhờ bác sĩ Năm khuyên bảo, động viên, tôi đã chấp nhận việc mình mất đi một cánh tay vì tai nạn và sống có ích hơn”.

Chị Nguyễn Thu Thảo (trái) nhận bằng khen CNVC-LĐ giỏi năm 2014 do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trao tặng.

Tài cao, giản dị nhưng khéo léo là nhận xét của đồng nghiệp dành cho chị Nguyễn Thu Thảo, Trưởng bộ phận nhà hàng của Khách sạn Viễn Đông. Gắn bó với bộ phận nhà hàng từ năm 2005, chị cùng đồng nghiệp có nhiều sáng tạo, góp phần khắc phục khó khăn cho đơn vị. Năm 2013, khách sạn thu hẹp diện tích của bộ phận nhà hàng. Trăn trở tìm cách đảm bảo doanh thu, chị cùng đồng nghiệp vận động khách hàng tổ chức tiệc, sự kiện ngoài trời. Nhờ tài thuyết phục của chị, nhiều khách hàng hưởng ứng và chấp nhận phương án trên. Điển hình, khách sạn đã tổ chức thành công tiệc ngoài trời cho 4.000 CNVC-LĐ của Công ty Coca - Cola. Nỗ lực này giúp doanh thu bộ phận khách hàng đạt 10 tỷ đồng trong năm 2013.

Dù làm việc trong môi trường và hoàn cảnh khác nhau nhưng bác sĩ Vũ Thị Kim Năm và chị Nguyễn Thu Thảo đều lặng lẽ, góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước.

Bám lấy con chữ, đuổi đi cái nghèo

Gần 20 năm giảng dạy tại Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM là khoảng thời gian lắm thử thách nhưng cũng đầy kỷ niệm đối với chị Nguyễn Thị Đỉnh. Chị đã dồn cả tâm huyết, tình thương cho biết bao thế hệ học trò. Sinh ra và trưởng thành tại đây, chị hiểu rõ khởi nguồn của nghèo đói là thất học. Vì vậy, chị quyết tâm theo ngành sư phạm để giúp bà con “bám lấy con chữ, đuổi đi cái nghèo”. Chị luôn cố gắng tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, phù hợp với địa phương.

Chị Đỉnh đã góp nhặt bí quyết của mình vào sáng kiến “Biện pháp quản lý học sinh trong giờ lên lớp”. Chị chỉ rõ, ngoài lòng yêu nghề, chuyên môn thì nhẫn nại là đức tính cần nhất của nghề giáo. Trong lớp học luôn có học sinh cá biệt. Những lúc thành phần “khó trị” này tỏ thái độ chống đối, không trả bài hay quậy phá, chị luôn nén giận. Sau đó, chị gặp riêng các em để tìm hiểu hoàn cảnh và khuyên răn. Thấy cô giáo nhiệt tình, tâm lý, nhiều học sinh cá biệt dần thay đổi, sống tích cực hơn.

Chị Đỉnh không khi nào quên những lần đi vận động phổ cập giáo dục. Địa bàn rộng, phân tán, chị cùng đồng nghiệp phải đi quãng đường dài hơn 10 km mới đến nhà học sinh. “Nhiều năm trước, người dân, các em nhỏ không mặn mà đến trường. Có lúc một mình tôi đi bộ quãng đường dài, đến nơi mệt chưa kịp thở đã bị phụ huynh mắng chửi, đuổi đi. Về đến nhà trời đã khuya, đói nhưng không nuốt trôi cơm vì tủi thân, áy náy với hoàn cảnh của các em” - chị bùi ngùi nhớ lại. Giờ đây, lớp học không còn cảnh “thầy đợi mãi không thấy trò” là nhờ công lao của những người như chị.

Đi đầu trong các phong trào tại đơn vị, 3 chị Vũ Thị Năm, Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Thị Đỉnh vinh dự nhận được bằng khen CNVC-LĐ giỏi do LĐLĐ TPHCM trao tặng. “Dù làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng các chị luôn là nhân tố đi đầu, không ngừng phấn đấu tu dưỡng đạo đức, phát huy sáng kiến, giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, nâng cao uy tín”, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nhận xét.

NGUYỄN QUYÊN

Tin cùng chuyên mục