
TPHCM đã có nhiều khu phố mới hình thành 5-10 năm đã bị ngập nước mỗi khi triều cường: khu dân cư dọc tuyến đường Bùi Đình Túy, D2, Chu Văn An (Bình Thạnh); các khu phố dọc kênh Nhiêu Lộc phường Tân Định (quận 1),... đang phải khắc phục bằng cách đặt máy bơm thoát nước, nâng đường... Có những khu phố đang thi công hoặc mới hoàn thành với những nhà cao tầng, nhà biệt thự hiện đại cũng bị ngập.
- Đi không được, ở không xong

Một đoạn đường trong khu phố Nam Long đã biến thành sông.
Khu nhà ở Nam Long phường Thạnh Lộc quận 12 là một khu dân cư hiện đại nằm ngay bên đường Xuyên Á, được xây dựng từ năm 2000. Sáng ngày 15-11, khi chúng tôi đến đây, cả khu nhà đang bị ngập. 7 giờ sáng, nước triều rút dần nhưng vẫn còn nhiều đoạn đường trong khu phố vẫn ngập như sông.
Dọc theo các tuyến đường, bùn từ dưới cống trào lên nhầy nhụa, còn vỉa hè bê tông thì bị bong từng mảng do ngập nước lâu ngày. Mỗi nhà đều phải đặt trước cửa từng đống bao cát để ngăn nước chảy vào nhà.
Chị Phan Thị Ngọc, nhà ở đường Phạm Văn Chiêu quận Gò Vấp đã mua đất tại đây từ 2 năm nay nhưng không dám xây nhà. Chị cho biết, nhiều người đến muốn mua đất nhưng thấy triều ngập là lắc đầu liền.
Có người đặt cọc rồi cũng ngưng mua. Những người đã mua nhà hay lỡ xây nhà thì đành chịu cảnh tháng nào cũng ngập, mỗi đợt kéo dài 4-5 ngày.
Cũng bên cạnh đường Xuyên Á ở phường An Phú Đông quận 12 - khu biệt thự của Công ty TNHH Tiến Phước đang bị bỏ hoang vì... ngập nước. đây là khu biệt thự gồm 40 căn được thiết kế hiện đại, thế nhưng, mỗi khi triều cường là toàn bộ công trình ngập trong nước, từ đường đi, vườn cây đến sân gôn. Đã 4 năm qua, nhà xây xong không ai đến ở, cỏ mọc lên lấn cả đường đi.
Bên cạnh dòng sông Vàm Thuật – cả một vùng đất lớn tại khu phố 1 phường 15 và phường 17 quận Gò Vấp đang được nhiều công ty triển khai xây dựng hạ tầng làm khu dân cư. Quy mô khu vực này lên đến vài trăm căn nhà. Một số căn nhà cao tầng đã mọc lên. Thế nhưng, tình trạng ngập nước càng trầm trọng.
Người dân địa phương cho biết, ở đây vốn là vùng ao trũng, các đơn vị thi công chỉ đổ ít đất, san bằng và lót một lớp bê tông mỏng làm đường. Mỗi khi triều lên, nước từ các hố ga trào ngược ra, tràn cả vào nhà.
- Công trình “cốt âm” - tại ai?
Ông Nguyễn Văn Bảy ở khu phố 1, phường 15 Gò Vấp – chủ một dự án nhà đất, cho biết: “Gia đình tôi có đất tự làm đường, phân lô rồi bán cho những người có nhu cầu về nhà ở. Khi chúng tôi thi công, không được UBND phường, Phòng Quản lý đô thị quận hay Sở Xây dựng TP nói về cốt nền, cốt đất gì cả. Lúc làm xong mới thấy nền bị thấp hơn mực triều, nhưng không thể sửa chữa được”.
Ông Trần Kim Khiêm – Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH Tiến Phước cho biết, dự án xây dựng khu biệt thự đã được cơ quan chức năng phê duyệt, công ty thi công đúng với dự án. Thế nhưng, khi đường Xuyên Á hoàn thành, đường nâng quá cao thì khu biệt thự bị ngập nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12, cho biết: “Các dự án xây dựng đều đã được các ban ngành chức năng ở thành phố phê duyệt. Chúng tôi ở địa phương chỉ quản lý xem chủ đầu tư có thực hiện theo đúng dự án đã được phê duyệt hay không. Hầu hết các dự án đều thực hiện đúng theo quy định, tuy nhiên bước đầu xác định các công ty đã không chú ý đến cốt nền nên dẫn đến tình trạng mới xây dựng mà đã ngập”.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo quy trình hiện nay, một dự án xây dựng đưa vào thực hiện phải đạt các thông số kỹ thuật và được các sở chức năng liên quan phê duyệt.
Để có một khu dân cư mới ra đời phải qua nhiều khâu, từ Sở Quy hoạch –Kiến trúc xem xét có ý kiến trình UBND TP trên cơ sở mặt bằng tổng thể 1/2000 và phê duyệt về mặt quy hoạch chi tiết trên mặt bằng tổng thể 1/500, gồm có bao nhiêu căn nhà, tỷ lệ phần trăm đất dành cho các công trình hạ tầng như đường giao thông, cây xanh, công trình công cộng; Sở Giao thông – Công chánh phê duyệt kỹ thuật về đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cốt nền cho công trình;…
Các thông số kỹ thuật đều được cơ quan chức năng xem xét, cụ thể như hệ thống cống thoát nước trong khu dân cư phải tuân thủ các yêu cầu sau: cống thu, cống xả, độ lớn của ống cống, độ dốc,… Tất cả các thông số kỹ thuật đều được chú ý, thế nên việc để xảy ra tình trạng các khu dân cư mới xây đã bị ngập thì khó chấp nhận. đây là vấn đề cần được làm rõ, bởi hậu quả của nó rất nặng nề.
Điều cần xem xét là do cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án không chú ý đến cốt nền để quy định độ cao hay nhà đầu tư làm không như thiết kế.
Trần Yên - Tường Lộc