Bỏ quy định công bố hợp quy sẽ khó cho quản lý nhà nước

Quá trình thảo luận tại hội trường sáng ngày 10-5, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy để phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh mất thời gian, thời cơ phát triển đối với doanh nghiệp. 

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhìn nhận, tại dự thảo luật đã thể hiện xu hướng hiện đại, phù hợp với cam kết quốc tế, minh bạch, đề cao vai trò doanh nghiệp, tạo nền tảng hội nhập.

Tuy vậy, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nêu lên vấn đề về “lỗ hổng” trong dự thảo, mà dựa vào đó, có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng. Theo đó, đối với nội dung dự thảo quy định trách nhiệm khi công bố sai lệch hợp chuẩn, hợp quy. Dự thảo chưa có quy định cụ thể và trách nhiệm pháp lý đối với hành vi công bố sai lệch hoặc gian dối trong công bố hợp chuẩn, hợp quy.

Phuoc Binh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong bối cảnh hiện tại, hợp chuẩn, hợp quy ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm. “Việc thiếu chế tài đối với các hành vi này là một kẽ hở nghiêm trọng, có thể dẫn đến hậu quả về an toàn, sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội và gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, đại biểu nêu vấn đề.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị, trước hết ban soạn thảo phải bỏ quy định công bố hợp quy. Theo phân tích của đại biểu, quy định này hiện đã không tương thích với thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường. Cùng với đó, nếu còn quy định “công bố hợp quy” sẽ đem lại gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Để công bố hợp quy, doanh nghiệp phải tốn chi phí cho kiểm nghiệm mẫu, chưa kể thời gian chờ đợi, điều này lãng phí thời gian, tăng chi phí sản xuất, giảm tính cạnh tranh, làm lỡ nhiều cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kim Be.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: QUANG PHÚC

“Công bố hợp quy tập trung vào kiểm soát sản phẩm đơn lẻ, thông qua mẫu kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường, thay vì kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Điều này dẫn đến hệ lụy khác, doanh nghiệp sẽ đối phó lấy 1 mẫu thật tốt mang đi kiểm nghiệm, sau đó sản xuất đại trà với nguyên liệu và quy trình không được kiểm soát chặt chẽ; hậu quả là, dù đã được công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa, nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng”, đại biểu Kim Bé nhận định.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ mang tính hình thức, chồng chéo. Theo đại biểu, các sản phẩm nhóm 2 (hàng hóa sản xuất kinh doanh có điều kiện đã được đánh giá và cấp chứng nhận đầy đủ theo tiêu chuẩn của pháp luật), đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp đã được đảm bảo các điều kiện quy trình kiểm tra chất lượng.

Van.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: QUANG PHÚC

Việc buộc doanh nghiệp phải lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận và lãng phí. Theo đại biểu Vân, việc vẫn áp dụng công bố hợp quy, có thể là kẽ hở để doanh nghiệp gian dối đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn công bố.

Đại diện cơ quan trình dự thảo luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, các đại biểu tham gia ý kiến rất trách nhiệm. Theo Phó Thủ tướng, dự thảo luật đã cố gắng cập nhật những chủ trương mới mang tính cải cách, đột phá; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho; cắt giảm thủ tục hành chính; ưu tiên phương pháp tiếp cận đầu ra.

Liên quan tới các đề xuất của các đại biểu về bãi bỏ quy định công bố hợp quy, Phó Thủ tướng cho biết, đây là công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. “Nếu chúng ta không có tiêu chuẩn để giám sát, kể cả tiền kiểm, chưa nói tới hậu kiểm, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Những vấn đề này, các nước đều có cả. Vấn đề của chúng ta là quản lý những loại nào, quản lý đến đâu và bằng cách nào trước khi hàng hóa đưa ra thị trường mà không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, môi trường”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

z6587010770924_3e08f542c078a1b43a99fdc49b24087f.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, sáng 10-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Thủ tướng dẫn chứng, cách đây khoảng 30 năm, vụ xuất hiện hoóc môn trong bánh phở, việc xử lý cũng lúng túng vì không có những quy định. Ở Hà Nội áp dụng đóng dấu từng rổ bánh phở, nhưng TPHCM lại không làm thế, chỉ kiểm tra hậu kiểm. “Gần đây, chúng ta cũng nghe nhiều về sữa giả, kẹo, bánh kém chất lượng, nếu chúng ta không áp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà đưa ra thị trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Do đó, tôi cho rằng vẫn phải cần các quy chuẩn, nếu bãi bỏ quy định công bố hợp quy sẽ rất khó cho công tác quản lý nhà nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục